Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Nếu như doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay trong một giai đoạn nào đó liên kết với nhau để bán với giá cao thì phải chịu sự điều tiết của Nhà nước. Ở đây có hai công cụ là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập.
Để khắc phục những hạn chế của thị trường xăng dầu hiện nay, việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới cần hướng vào việc thay đổi cơ chế. Cơ chế quản lý hiện nay đang dùng là cơ chế quản lý hành chính Nhà nước, nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết. Đây là quan điểm được ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội chia sẻ tại cuộc Toạ đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 30/7.
Theo ông Hoàng Văn Cường, nếu chúng ta để thị trường quyết định thì đương nhiên các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này sẽ cố gắng, nỗ lực làm sao tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí có thể mua lúc rẻ và bán ra ở mức hợp lý với mức dự trữ tốt khi giá thế giới tăng cao, thay vì hạn chế bán ra khi lợi ích không được bảo đảm.
Từ việc dựa vào công cụ thị trường, theo ông Hoàng Văn Cường thì đương nhiên phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp, nhưng Nhà nước có công cụ để điều tiết.
Muốn có được công cụ thị trường để cạnh tranh thì chúng ta phải có thị trường cạnh tranh, mà muốn có thị trường cạnh tranh thì việc mua bán để thị trường quyết định, trăm người bán, vạn người mua.
Bên cạnh các công cụ trên, theo ông Hoàng Văn Cường chúng ta cũng phải tiến tới việc tạo ra các cơ sở pháp lý và các điều kiện khuôn khổ cho các doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh để bình ổn. Bên cạnh đó phải có nguồn lực dự trữ quốc gia, phải có thị trường để làm sao cho mọi người có thể tham gia giao dịch tốt.