Download on the
App Store
Trong chiến lược phát triển KTXH của tỉnh Yên Bái, du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng và được ưu tiên đầu tư. Yên Bái đã định vị được con đường phát triển du lịch với những giải pháp trước mắt và lâu dài, đầy khát vọng, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.
Thực hiện những định hướng dài hạn, qua nhiều nhiệm kỳ kế tiếp nhau, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách thúc đẩy du lịch phát triển; chú trọng các giải pháp thu hút đầu tư; thực hiện chính sách ưu tiên, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và người dân hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Du khách chinh phục đỉnh Tả Chì Nhù, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, nằm ở độ cao 2.979 m so với mực nước biển, một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam
Tháng 10/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVIII ban hành Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Tháng 2/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Nhiệm kỳ 2021 - 2026, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 02 nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh (cho giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2024 - 2030). Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 04 đề án về văn hóa, du lịch, đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch; xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch; phát triển du lịch trên địa bàn huyện Trạm Tấu; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2030.
Nhằm xây dựng, định vị rõ thương hiệu, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm đặc trưng, Yên Bái đã xác định bốn vùng du lịch trọng điểm của tỉnh.
Vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy, với hệ thống sản phẩm du lịch giàu bản sắc, khai thác và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng và các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Hình thành và phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, tạo động lực cho nông nghiệp và du lịch cùng phát triển, xây dựng các tour du lịch gắn với hệ sinh thái nông nghiệp trên đảo Hồ Thác Bà; các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao...
Vùng thành phố Yên Bái và phụ cận hình thành một số sản phẩm du lịch MICE, du lịch golf; thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, trình diễn văn hóa, nghệ thuật dân gian (múa sạp, múa xòe) phục vụ nhân dân và du khách; hình thành duy trì hoạt động của các tuyến phố đi bộ, kinh doanh thương mại, ẩm thực: Phố đi bộ Lý Đạo Thành, thành phố Yên Bái; Phố đi bộ Đầm Vối, huyện Trấn Yên nhằm tạo điểm nhấn và phục vụ nhu cầu của nhân dân, du khách.
Tỉnh Yên Bái xác định bốn vùng trọng điểm trong phát triển du lịch của tỉnh
Vùng du lịch miền Tây được du khách biết đến và ấn tượng với các sản phẩm du lịch lễ hội, du lịch văn hóa được tổ chức thường niên gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, như: Lễ hội văn hoá - du lịch Mường Lò, Lễ hội khám phá danh thắng Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải (mùa nước đổ và mùa vàng); Festival Khèn Mông; Lễ hội Hoa Tớ dày, Lễ hội trà Shan tuyết; một số sản phẩm du lịch lễ hội mới được xây dựng, mở rộng thêm mùa du lịch tại khu vực: Cuộc thi "Lung linh vòng xòe"; giải đua ngựa Shanrila Mường Lò; Lễ hội Gầu Tào, huyện Trạm Tấu; Lễ hội Lồng Tồng, huyện Văn Chấn. Cùng với đó là các sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; du lịch mạo hiểm, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa với các mô hình được xây dựng theo tiêu chí đánh giá thôn (bản) du lịch cộng đồng của tỉnh, như: Bản Sà Rèn, bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ), Bản Tà Sung, xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải); Thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn); Chòm Cu Vai, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu), đã tiếp cận, thu hút lượng khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Hiện nay, trong vùng đã có gần 100 homestay đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thường xuyên, đảm bảo chất lượng phục vụ du khách.
Vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh gắn với lễ hội văn hóa, lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Đền Đông Cuông, Lễ hội Quế, Festival Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn; Lễ hội Đền Nhược Sơn, Tết rừng Nà Hẩu…
Song song với đó, du lịch cộng đồng tại các bản làng cũng được chú trọng với nhiều mô hình homestay phát triển, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước.
Theo bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: "Từ xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, song những năm trở lại đây, du lịch Yên Bái đã thực sự bứt phá và có bước chuyển mình mạnh mẽ với những kết quả đáng khích lệ. Khởi sắc của du lịch Yên Bái là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Cách làm của Yên Bái là lấy doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ những thành quả từ phát triển du lịch. Đặc biệt, chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu khai thác tiềm năng, thế mạnh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo đúng phương châm "biến di sản thành tài sản", biến tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên thiên thành tài nguyên du lịch, phát triển vì đời sống vật chất, tinh thần, tạo công ăn việc làm cho người dân và giảm nghèo bền vững".
Về những thách thức đối với du lịch Yên Bái, bà Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết: "Một trong những khó khăn, hạn chế hiện nay là hạ tầng du lịch tuy được quan tâm đầu tư, song còn chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách; nhân lực chất lượng cao làm du lịch còn thiếu; biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến các điểm du lịch tự nhiên của tỉnh... Yêu cầu đặt ra lớn nhất hiện nay là phải xây dựng, duy trì và phát triển được những sản phẩm du lịch hấp dẫn, điều này đòi hỏi Yên Bái phải có chiến lược khác biệt, chính sách đủ mạnh, đủ sức hút đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư và người làm du lịch. Đặc biệt phải "kích hoạt" được nguồn lực xã hội hóa, khơi mở và phát huy tiềm năng, lợi thế, nhất là sự tham gia chủ động, tích cực, tâm huyết của người dân".
Yên Bái đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, đưa hình ảnh đất và người Yên Bái đến với bạn bè trong nước và quốc tế, đưa văn hóa truyền thống vào trường học, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân để nâng cao nhận thức, chuyển biến hành động nhằm phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong bối cảnh mới".
Nhắc đến Yên Bái là nhớ đến Nghệ thuật Xòe Thái gắn với Lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò, Nghĩa Lộ; Nghệ thuật Khèn của người Mông gắn với các lễ hội trên địa bàn huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn; các lễ hội truyền thống mang đậm đà bản sắc văn hóa trên khắp các vùng, miền, địa phương của tỉnh (huyện Văn Yên với các Lễ hội Đền Đông Cuông, Lễ hội Quế, Festival Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn; huyện Yên Bình với Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà; huyện Lục Yên với Lễ hội về miền đất Ngọc...).
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường, xây dựng các sản phẩm, hình thành và kết nối tour, tuyến; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch. Nhiều doanh nghiệp, HTX và người dân, nhiều doanh nghiệp trẻ đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư kinh doanh phát triển các loại hình, dịch vụ du lịch; sáng tạo ứng dụng công nghệ số để quảng bá, giới thiệu hình ảnh và phát triển hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch rất hiệu quả. Nhiều mô hình phát triển du lịch cộng đồng được xây dựng từ trái tim, tâm huyết, tình cảm và trách nhiệm của những người dân địa phương, như: Homestay Hello Mù Cang Chải; Không gian văn hoá trà Suối Giàng (huyện Văn Chấn); HTX khoáng nóng Cường Hải (huyện Trạm Tấu).
Anh Đặng Thái Sơn, Chủ nhiệm CLB du lịch Suối Giàng, quản lý Không gian văn hóa trà Suối Giàng chia sẻ: "Năm 2019, chúng tôi lên Suối Giàng. Thời điểm đó chưa có đơn vị nào làm du lịch. Cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, không khí trong lành mát mẻ, sự hồn hậu, chất phác, thân thiện của đồng bào Mông và những cây chè Shan tuyết cổ thụ nơi đây đã níu chân chúng tôi. Không gian văn hóa trà Suối Giàng được hình thành trong 59 ngày đêm mà đến hôm nay, mỗi khi nhớ lại, chúng tôi vẫn trào dâng cảm xúc trân trọng sự nỗ lực và tình cảm của bà con, chính quyền địa phương xã Suối Giàng. Tiếp đó, chúng tôi đầu tư thêm mô hình Ngôi làng Hạnh phúc, có nhà hàng, điểm checkin chụp ảnh, lớp học sẻ chia, làng nghề dệt người Mông, mô hình làm chè thủ công. Chúng tôi hy vọng đồng hành cùng với bà con địa phương phát triển thương hiệu trà shan tuyết Suối Giàng gắn với du lịch để nơi đây trở thành một điểm dừng chân đáng nhớ với du khách trong và ngoài nước".
Không gian văn hóa trà Suối Giàng là trải nghiệm thú vị với đông đảo du khách
Tuy kết quả còn khiêm tốn, song nhờ những quan điểm phát triển đúng đắn, phù hợp thực tiễn địa phương, du lịch Yên Bái đang từng bước khẳng định vị thế, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển KTXH của tỉnh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân sở tại./.
Hương Sen - Thanh Bình