Hoàng Mai Trinh 05/04/2022 15:48

Xử lý các dự án yếu kém: Tích cực và có kết quả

(Chinhphu.vn) - Tồn tại về tài chính để lại quá lớn, tổng mức đầu tư hầu hết phải điều chỉnh cao hơn so với dự toán ban đầu. Cơ cấu nguồn vốn chủ yếu bằng nguồn vay với lãi suất cao, một số không còn vốn chủ sở hữu, hầu hết không có khả năng trả nợ đến hạn. Đây là những nguyên nhân được nhận diện liên quan đến 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.

Đến nay, đã có 5/12 dự án được đưa ra khỏi danh sách này. Trong 5 dự án, hiện đã có 1 dự án là Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1-Hải Phòng cơ bản khắc phục các tồn tại yếu kém, sản xuất kinh doanh có lãi. Bốn dự án còn lại cơ bản không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, 5 dự án đưa ra khỏi danh mục theo dõi của Ban Chỉ đạo, đây là một quá trình dài và là cơ sở để tạo sự chủ động cho doanh nghiệp hoạt động trong thời gian tới.

Có thể thấy, để có kết quả tích cực như hiện nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở cấp cao nhất đã có sự chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt đối với các dự án nói trên. Theo ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong quá trình xử lý các dự án, Chính phủ khoá trước và khoá này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo.

Đánh giá về những kết quả tích cực đã đạt được, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao 2 điểm, đó là xử lý tích cực và xử lý có kết quả.

Trước đó, tại cuộc làm việc với Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) – một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, ngày 1/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu với 5 dự án nói trên, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty có liên quan căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương tiếp tục chỉ đạo chi tiết, có giải pháp cụ thể, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, báo cáo Thủ tướng.

Với 7 dự án còn lại, phải báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 10/2022. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ cùng các bộ, ngành xem xét từng giải pháp cụ thể, đề xuất cơ chế, chính sách, nguồn vốn bảo đảm khả thi, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, trên tinh thần dự án nào dễ thì làm trước. 

Từ ngày
- đến ngày