Thái Sơn 10/04/2024 09:54

Xác định ‘nút thắt’ cần gỡ trong cấp tín dụng xanh

(Chinhphu.vn) - Tỷ trọng tín dụng xanh của ngành ngân hàng trong tổng dư nợ hiện nay mới đạt 620 nghìn tỷ đồng và chỉ chiếm 4,5%.

Tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường và khí hậu. Tại Việt Nam, hoạt động tín dụng xanh đã được triển khai thực hiện trong những năm gần đây. Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Cụ thể, tỷ trọng tín dụng xanh của ngành ngân hàng trong tổng dư nợ hiện nay mới đạt 620 nghìn tỷ đồng và chỉ chiếm 4,5% trong tổng dư nợ. Vậy đâu là nguyên nhân của điều này? Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh chính là khung pháp lý chưa hoàn thiện, còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường và Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.

"Tôi cho rằng điểm nghẽn để đánh giá được hoạt động tín dụng xanh chính là Danh mục xanh. Danh mục xanh quốc gia là danh mục chung để làm cơ sở không chỉ cho ngành ngân hàng mà cả các bộ ngành khác cũng cần để triển khai các cơ chế hỗ trợ cho các chủ đầu tư đầu tư các dự án xanh. Ngành ngân hàng lấy làm cơ sở để xác định và cấp tín dụng cho các dự án xanh này".

Xác định ‘nút thắt’ cần gỡ trong cấp tín dụng xanh- Ảnh 1.

Dự thảo về Danh mục phân loại xanh hiện quy định 9 nhóm ngành gồm: Năng lượng; GTVT; tài nguyên nước; xây dựng; xử lý chất thải; nông, lâm, thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin, truyền thông; chuyển đổi xanh.

Hiện nay, Dự thảo về Danh mục phân loại xanh đang được gấp rút hoàn thiện. Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT, đơn vị soạn thảo Dự thảo quy định Danh mục phân loại xanh dành cho trái phiếu xanh và tín dụng xanh chia sẻ.

"Trong quá trình triển khai xây dựng thì các quy định về phân loại xanh sẽ dựa trên các danh mục đã được các tổ chức quốc tế triển khai thực hiện. Chính vì vậy nguyên tắc của chúng ta cũng áp dụng các tiêu chí về mặt môi trường đã được thực hiện trên thế giới.

Chúng ta tập trung vào các yếu tố về kinh tế tuần hoàn, về giảm tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu, về kéo dài vòng đời của sản phẩm, về giảm phát thải và không gây tác động xấu đến môi trường, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho bảo vệ môi trường cũng như ứng phó biến đổi khí hậu và khôi phục đa dạng sinh học, bảo đảm được các yếu tố về bảo vệ môi trường, bảo đảm các yếu tố về biến đổi khí hậu và bảo đảm các yếu tố về phục hồi hệ sinh thái. Các tiêu chí của Việt Nam cam kết phù hợp với các tiêu chí của CBI, EU và ASEAN. Dự thảo hiện nay cũng đang quy định có 9 nhóm ngành (Năng lượng; GTVT; tài nguyên nước; xây dựng; xử lý chất thải; nông, lâm, thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin, truyền thông; chuyển đổi xanh)".

Hoàn thiện khung pháp lý là cấp bách, không có pháp lý thì sẽ không làm được gì. Chính vì vậy, việc ưu tiên nhất hiện nay là càng sớm càng tốt ban hành quy định về Danh mục phân loại xanh. Đây là điều rất cần thiết, đồng thời là cơ sở quan trọng để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính xanh đầy tiềm năng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Từ ngày
- đến ngày