Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Khoảng trưa đến chiều ngày 22/7, vùng tâm bão đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa; khu vực Ven biển Hải Phòng, ven biển Hưng Yên (Thái Bình cũ): Gió cấp 9-10, giật cấp 13-14; Ven biển Ninh Bình: Gió cấp 8-9, giật cấp 13; Ven biển Thanh Hóa (tập trung ở phía Bắc): Gió cấp 7-8, giật cấp 8-9.
Tại buổi cung cấp thông tin về dự báo diễn biến, tác động của bão số 3, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Cục KTTV, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin, khoảng trưa đến chiều ngày 22/7, vùng tâm bão đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa; khu vực Ven biển Hải Phòng, ven biển Hưng Yên (Thái Bình cũ): Gió cấp 9-10, giật cấp 13-14; Ven biển Ninh Bình: Gió cấp 8-9, giật cấp 13; Ven biển Thanh Hóa (tập trung ở phía Bắc): Gió cấp 7-8, giật cấp 8-9; Hà Nội: Trưa và chiều 22/7 có gió mạnh cấp 5-6, giật 7-8.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Cục KTTV.
"Dự báo triều cường cao (bao gồm cả nước dâng do bão) sẽ xuất hiện vào buổi chiều ngày 22/7, cụ thể: Tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 2,4-2,6m (13-16h); tại Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 3,9-4,3m (13-16h); tại Cửa Ông (Quảng Ninh) cao 4,6-5,0m (14-17h); và tại Trà Cổ (Quảng Ninh) cao 3,6-4,0m (14-17h)… Mưa to diện rộng từ tối và đêm nay đến sáng 23/7, trọng tâm là Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm; các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3h). Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp".
Ông Khiêm nêu rõ, thời tiết trên biển, vùng đất liền ven biển trong bão cực kỳ nguy hiểm, không an toàn cho bất kỳ phương tiện, công trình nào hoạt động trong vùng nguy hiểm như: Tàu du lịch, tàu chở khách, tàu vận tải, lồng, bè, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè, tuyến đường ven biển. Các phương tiện có khả năng cao bị lật úp, phá huỷ, ngập úng do gió mạnh, dông, lốc, sóng lớn và nước biển dâng.
Các địa phương cần ứng phó gió mạnh ven biển, sóng và nước dâng: Bãi Cháy, Hà Tu, Hòn Gai, Hạ Long, Móng Cái 1,2,3; Đặc khu Cô Tô và Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Đặc khu Bạch Long Vỹ; Đặc khu Cát Hải; Phường: Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn và các xã: Kiến Thụy, Tiên Lãng (Hải Phòng).