Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát gia tăng, khả năng suy thoái trong ngắn hạn và các vấn đề về xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh…Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng năm 2022, 2023.
IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu" với dự báo tăng trưởng 7% trong năm nay. Giáo sư Andreas Stoffer, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann for Freedom tại Việt Nam đã chỉ ra những dấu hiệu tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam.
"Các chính sách cơ bản của Việt Nam, đặc biệt là các chính sách kinh tế thì tương đối rõ ràng, có cam kết rõ ràng về tự do thương mại. Việt Nam có ngân sách quốc gia lành mạnh, tỷ lệ nợ trên GDP tương đối tốt khi giữ ở mức 43,7%. Môi trường kinh doanh thân thiện với các nhà đầu tư. Trong quá trình phát triển, có hai quốc gia trên thế giới có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong vòng 20 đến 30 năm qua là Ba Lan và Việt Nam. Đây là những dấu hiệu rất tích cực trong quá trình phát triển và tôi lạc quan rằng sẽ có một tương lai rất tươi sáng cho Việt Nam."
Ông Fred McMahon, đại diện Viện Fraser (Canada) cho rằng, Việt Nam hiện có động lực tăng trưởng kinh tế rất mạnh, bao gồm lực lượng lao động có trình độ, kỷ luật tốt, có tiềm lực kinh tế và chính sách kinh tế mạnh mẽ. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên các chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn ở mức rất hấp dẫn.
"Đây là một lợi thế vì sẽ dễ dàng hơn để bắt kịp với những cơ cấu kinh tế hiện có, sau đó sẽ tạo ra cơ cấu kinh tế mới để thúc đẩy tiến trình đổi mới. Chi phí thấp giúp thu hút được các lực lượng lao động cũng như thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy cơ sở hạ tầng, kinh tế, tăng năng suất, tăng nguồn đầu tư cho con người cũng như nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Đây là điểm rất có lợi của Việt Nam."
Nền kinh tế nươc ta còn khiêm tốn, có độ mở cao nên phần lớn những yếu tố tác động đến từ bên ngoài, chúng ta khó có thể kiểm soát được, chúng ta cần phải lựa theo. Vì vây, các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô thời gian tới cần phải linh hoạt hơn. Điểm nữa là phải có cải cách thể chế đủ mạnh, nhất quán theo thị trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đây là điều phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.