Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Để giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thêm nguồn lực thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, nguồn tài chính đến từ thị trường tín chỉ carbon đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thị trường carbon là cơ chế để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ thông qua thị trường này để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính. Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, Thủ tướng hiện đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TN&MT cùng các bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng, dự kiến ban hành sớm nhất trong tháng này Đề án phát triển thị trường carbon.
"Đề án này quy định đầy đủ tất cả các vấn đề cần thiết để làm có thể triển khai sớm nhất, dự kiến năm 2025 sẽ thí điểm và sau năm 2027 sẽ vận hành chính thức.
Ngoài ra, xuất phát từ việc quản lý, nhu cầu trao đổi tín chỉ carbon quốc tế và trong nước, xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của việc phát triển thị trường carbon. Bộ TN&MT đang rà soát sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Đưa vào đó những nội dung mới về quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon. Chúng tôi đang lấy ý kiến rộng rãi và đã đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng như đang lấy ý kiến của các bộ ngành địa phương trên cả nước".
Để giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thêm nguồn lực thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, nguồn tài chính đến từ thị trường tín chỉ carbon đóng vai trò hết sức quan trọng. Ông Cường cho biết, quá trình xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon hiện đang được triển khai với mục tiêu năm 2025 đưa vào thử nghiệm, sau đó sẽ hoàn thiện chính sách để vận hành chính thức vào năm 2028.
"Theo Đề án của Bộ Tài chính trình, sẽ có một sàn giao dịch tín chỉ carbon do Sở giao dịch chứng khoán vận hành luôn thị trường này. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện các vai trò về điều tiết, quản lý và làm sao thúc đẩy cho thị trường phát triển. Khi đó các doanh nghiệp và tổ chức trong nước quốc tế cùng tham gia".
Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Cụ thể, Việt Nam vừa trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán trên 51 triệu USD dựa trên kết quả giảm phát thải tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của Ngân hàng thế giới. Tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển nhượng cho tổ chức LEAF/Emergent 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng (tương ứng 5,15 triệu tấn CO₂) tại 11 tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, với giá tối thiểu 10 USD/tấn. Đây là những tín hiệu tích cực trong việc thương mại hoá tín chỉ carbon của Việt Nam.