Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Trong năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã ‘thắng lớn’ cả về giá trị và kim ngạch, và năm nay tiếp tục có nhiều thuận lợi. Cụ thể, ước tính sơ bộ đến hết tháng 1/ 2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512 nghìn tấn. Hiện, các bộ, ngành, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo đang tận dùng cơ hội này để mở rộng việc ký kết các đơn hàng.
Bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, tỉnh Long An có 25 thương nhân xuất khẩu gạo, trong đó có một doanh nghiệp nước ngoài. Bước sang năm 2024, đơn vị đã sẵn sàng các mục tiêu nâng cao chất lượng, xuất khẩu gạo thơm, gạo trắng, gạo nếp ở địa phương xuất khẩu sang các quốc gia, lãnh thổ.
"Long An sẵn sàng phối hợp với các cơ quan thương vụ Công thương, Thương vụ Việt Nam ở các nước đón các đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Long An. Dự kiến quý II/2024, chúng tôi tổ chức các hội nghị kết nối chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu hàng hóa tại tỉnh, trong đó tiếp tục phát triển thương hiệu gạo Việt Nam".
Hình minh họa.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, có tổng lượng xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, ông Toản cũng thẳng thắn nhìn nhận, bối cảnh nguồn cung gạo trên thị trường thương mại toàn cầu thời gian tới dự báo giảm do nhiều yếu tố (lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE; hiện tượng El Nino), trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng.
Trước bối cảnh thị trường như vậy, để đảm bảo mục tiêu điều hành, tận dụng tốt cơ hội gia tăng thị phần tại các quốc gia còn nhiều tiềm năng, ông Toản cho biết Bộ Công Thương đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay vấn đề phòng vệ thương mại, an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề sở hữu trí tuệ, thương hiệu cũng là nội dung được các nước quan tâm... để tận dụng được các cơ hội này, doanh nghiệp cần phải bảo đảm tất cả các yêu cầu về mặt pháp lý và kỹ thuật để đảm bảo không trùng lặp. Và quan trong nhất là công tác đầu tư phát triển các nhãn hiệu đó thành thương hiệu nông sản uy tín, nổi tiếng thương hiệu gạo Việt đến tay người tiêu dùng cũng như tại các kênh phân phối, thương mại.