Trần Long 09/03/2025 09:47

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, tạo đà tăng trưởng hai con số

(Chinhphu.vn) - Không gian phát triển mới của ngành năng lượng đang mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.

Ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) lấy ví dụ từ Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ mở ra những đột phá trong phát triển năng lượng của Việt Nam cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, tạo đà tăng trưởng hai con số- Ảnh 1.

Ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).

"Đây là một trong những quyết sách có tính chiến lược đối với ngành điện và ngành năng lượng của Việt Nam. Với quy mô đầu tư, mỗi một nhà máy hạt nhân có công suất khoảng trên 2000 megawat. Việc thực hiện đầu tư, chúng tôi đánh giá phải đạt được mục tiêu vào năm 2031. Do đó, chúng ta cần phải giải ngân một lượng vốn đầu tư rất lớn. Chính vì vậy, đây cũng là một trong những cơ hội cho các nhà đầu tư, các nhà thầu, và các bên liên quan để tham gia dự án và thực hiện khối lượng đầu tư lớn".

Chia sẻ thêm về một số dự án năng lượng thời gian tới có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, ông Đoàn Ngọc Dương cho biết, Quy hoạch điện VIII về phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 sẽ tạo tiền đề để các địa phương trên cả nước, các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư tư nhân có cơ sở triển khai phát triển điện lực theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp.

"Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương tham mưu để thực hiện điều chỉnh quy hoạch điện trên tinh thần là quy mô hệ thống điện được tính toán trên cơ sở đáp ứng nhu cầu điện năng cho tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ mới sắp tới và cũng để điều chỉnh cho phù hợp. Theo tính toán, Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, từ nay đến năm 2030, trung bình mỗi năm sẽ cần đầu tư khoảng 13 - 14 tỷ đô la Mỹ để phát triển các dự án nguồn điện, nhằm đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế".

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, cùng với các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển và quy hoạch đã được thông qua tại Luật Điện lực 2024, cũng như các chính sách đang tiếp tục được thể chế hóa trong các Nghị định hướng dẫn của Bộ Công Thương trình Chính phủ sắp ban hành, sẽ mở ra những cơ hội lớn về quy mô, công suất, đầu tư đối với ngành năng lượng trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Từ ngày
- đến ngày