Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Theo Bộ Công Thương, những chính sách quan trọng mà hiện nay doanh nghiệp cần quan tâm như Thỏa thuận xanh châu Âu; Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon; Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới.
Xuất khẩu hàng hoá xanh và bền vững đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp Việt hướng tới, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Chia sẻ về sản xuất xanh và phát triển bền vững là quá trình dài hơi và thị trường châu Âu đang rất quan tâm, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, để thâm nhập tốt hơn vào thị trường 'khó tính' này doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ các yêu cầu sau:
"Chúng tôi cho rằng, trước tiên doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý hơn những thay đổi trên toàn cầu, đặc biệt những thay đổi liên quan đến thương mại, xuất nhập khẩu, các giao dịch có đối tác là các doanh nghiệp châu Âu, sau đó có những chương trình hành động nội luật hóa để các doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng hơn so với các tiêu chí Liên minh châu Âu thời gian qua. Những doanh nghiệp xuất khẩu đi tại Việt Nam với các ngành nghề chủ lực như dệt may, da giày trong thời gian tới các doanh nghiệp cần đáp ứng".
Nhấn mạnh doanh nghiệp cần xác định thị trường tập trung để định hướng xuất khẩu, đi kèm với đó là các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ 3 giải pháp đơn vị sẽ triển khai thời gian tới.
"Bộ Công Thương trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tiếp theo xác định 3 nhóm việc cần phải làm. Thứ nhất, tiếp tục nâng cao tuyên truyền nhận thức về những quy định mới về xanh, số, phát triển bền vững cùng với đó là trách nhiệm xã hội. Thứ hai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cung cấp các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao việc tuân thủ quy định mới cho các doanh nghiệp và hiệp hội, ngành hàng chịu tác động dấu chân các-bon thì chúng tôi sẽ thiết kế các chương trình để kiểm toán khí thải các-bon; hỗ trợ doanh nghiệp các công cụ để đo lường. Thứ ba, đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, dệt may, da giày sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, nguyên liệu liên quan đến môi trường thì chúng tôi cũng thiết kế các chương trình hỗ trợ kỹ thuật khác nhau tùy theo đặc thù mỗi doanh nghiệp".
Theo Bộ Công Thương, những chính sách quan trọng mà hiện nay doanh nghiệp cần quan tâm như Thỏa thuận xanh châu Âu; Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon; Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới.
Các chính sách này không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Do đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như đưa ra các tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn phát triển bền vững cho từng ngành, từng lĩnh vực ngay cả tại thị trường Việt Nam, để không chỉ doanh nghiệp nội mà cả các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu xanh và bền vững.