Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Lao động và phát triển thị trường lao động đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định đối với việc phát triển kinh tế của một quốc gia. Để phát triển thị trường lao động cần đồng bộ nhiều chính sách, tiếp cận trên nhiều góc độ chứ không riêng lẻ của một bộ ngành nào.
Có thể thấy những giải pháp toàn diện để phát triển thị trường lao động ở nước ta được triển khai suốt thời gian qua bao gồm đào tạo nghề; đảm bảo các điều kiện để người lao động yên tâm làm việc; giải pháp chính sách về nhà ở; cân đối cung cầu lao động… đang hoạt động khá hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng nhà nước, bảo đảm thu nhập thực tế của người lao động rất quan trọng, đặc biệt trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ở góc độ của mình, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thời gian tới, các Nghị quyết của Chính phủ, các chiến lược phát triển thị trường lao động cần làm rõ cơ cấu thị trường lao động theo khu vực, khu vực nào cần lao động chất lượng cao, khu vực nào cần lao động giản đơn.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, để phát triển thị trường lao động theo đúng mục tiêu đã được đề ra, cần có bàn tay của Nhà nước trong việc điều tiết, tránh cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có dự báo phát triển của thị trường, nhất là ở những ngành mũi nhọn, trí thức cao, qua đó phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chính sách thu hút đầu tư… từ đó kịp thời hoạch định các chương trình, mục tiêu đặt ra để cung ứng lao động cho thị trường. Cùng với đó, xây dựng dữ liệu thông tin phục vụ thị trường thay vì chỉ tập trung công khai, quảng bá những dự án có số vốn đầu tư, số lượng sản phẩm bao nhiêu nhưng ít khi công bố thông tin về nhu cầu lao động của từng dự án, để có hướng đào tạo lao động, đáp ứng nhu cầu như trước đây.