Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến về chất, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng về giới, để người phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội vươn lên làm chủ chính mình.
Trường Sơn - xã biên giới nằm ở phía Tây huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là địa phương được chọn làm điểm triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1719, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I năm 2021-2025.
Sau 3 năm triển khai, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chuyển đổi tích cực trong suy nghĩ về định kiến giới, hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn, chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn chia sẻ.
"Việc phát triển kinh tế thì dân ở địa phương sống chủ yếu dựa vào rừng, ngoài việc chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ thì việc tận dụng các lâm sản phụ từ rừng thu nhập bà con rất thấp. Định kiến giới vẫn còn mạnh mẽ, vai trò vị thế của người đàn ông quyết định những chuyện lớn trong gia đình; trước đây những thủ tục như hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, tục nối dây, thủ tục lạc hậu như cúng bái đè nặng lên vai người phụ nữ; người phụ nữ bị thiệt thòi nhiều. Và đặc biệt có sự thay đổi từ khi Dự án 8 triển khai từ năm 2022, đến nay sau 3 năm thực hiện dự án, vai trò người phụ nữ dần được khằng định, giải quyết các vấn đề bất thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".
Còn với xã Thanh Sơn, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa - nơi có 98% chị em là người đồng bào dân tộc thiểu số dân tộc Thái Cả; cuộc sống kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Theo chia sẻ của chị Ngân Thị Nhất, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Sơn, khó khăn lớn nhất của địa phương trước khi thực hiện Dự án 8 đó là nhận thức của chị em chấp nhận sống chung với cuộc sống bạo lực. Tuy nhiên, từ sau khi triển khai mô hình địa chỉ tin cậy từ Dự án 8 đã làm thay đổi nhận thức của chị em phụ nữ và nam giới trong địa phương.
"Trước khi chưa có dự án, là một xã có nhiều điểm nóng về bạo lực đối với chị em phụ nữ, tư tưởng trọng nam khinh nữ, việc chị em có thói quen im lặng, an phận và chất nhận bị bạo lực không dám lên tiếng, xuất phát từ những rào cản trên thì từ khi triển khai dự án 8 đến nay, tỷ lệ bạo lực gia đình trong xã đã giảm rất nhiều. Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, gặp gỡ các hộ gia đình có biểu hiện về bạo lực gia đình và chúng tôi trực tiếp phối hợp với UBND xã công an xã gặp gỡ các hộ có biểu hiện để cam kết thực hiện không tái diễn. Chúng tôi thấy rằng mô hình địa chỉ tin cậy khẳng định được sự cần thiết mang lại hiệu quả cộng đồng".
Không chỉ thay đổi nếp nghĩ về nhận thức giới, giảm thiểu vấn nạn bạo lực gia đình, thời gian qua các hoạt động nằm trong Dự án 8 còn tạo thêm nhiều công việc cho chị em phụ nữ, từng bước khẳng định chính mình trong gia đình và xã hội. Bà Phan Thị Na, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn cho biết.
"Cán bộ hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt là hội viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã có đổi thay lớn, được tiếp cận tham gia các mô hình trong ứng dụng sản xuất, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Từ những mô hình dự án 8, người phụ nữ từ việc chỉ làm với đồng ruộng thì nay chị em được tham gia nhiều các hoạt động cộng đồng, chị em có điều kiện phát triển kinh tế, tự tin khẳng định chính mình".
Theo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tính đến tháng 10/2024, Dự án 8 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, 4/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án đã vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn I, như "Tổ truyền thông cộng đồng", "củng cố/thành lập mới Địa chỉ tin cậy", "Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị".