Thái Sơn 12/11/2024 09:58

Tăng trưởng từ cải cách

(Chinhphu.vn) - Năm 2024, Chính phủ xác định nhiệm vụ ưu tiên đầu tiên là tập trung thúc đẩy tăng trưởng.

Nếu như năm 2023, Chính phủ xác định mục tiêu ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô thì năm 2024, Chính phủ xác định nhiệm vụ ưu tiên đầu tiên là tập trung thúc đẩy tăng trưởng. Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, với sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh mới, kinh tế-xã hội Việt Nam đang đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

"Hiện nay, chúng ta đã đạt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, dự kiến năm nay chúng ta đạt cả 15 chỉ tiêu. Nhìn lại năm 2023, một năm chúng ta đã rất nỗ lực nhưng xét về mặt chỉ tiêu kinh tế-xã hội thì mới đạt 10/15 và có những chỉ tiêu đo lường về chất lượng kinh tế ví dụ như năng suất lao động thì năm nay chúng ta cũng đạt. Điều quan trọng hơn, kỳ vọng lớn nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP không những đạt mà Chính phủ hiện đang rất quyết tâm và mong muốn vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra".

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế hiện đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam được HSBC nâng dự báo từ tăng 6,5% lên 7%; Standard Chartered thì nâng dự báo từ tăng 6% lên 6,8%; Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 dự báo năm 2024 và 2025, Việt Nam có thể tăng trưởng cao nhất ASEAN+3. Ông Phan Đức Hiếu đưa ra nhận định.

Tăng trưởng từ cải cách- Ảnh 1.

Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, Việt Nam đang tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn" về thể chế.

"Xét về bối cảnh chung, tôi cho rằng năm nay và năm tiếp theo có nhiều cơ hội. Các tổ chức quốc tế đều có cái nhìn lạc quan, điều chỉnh dự báo tăng trưởng, thương mại quốc tế, chỉ số PMI... Thứ hai, thực lực của nền kinh tế đã được cải thiện rất nhiều, không chỉ về thực lực tài chính, kinh tế-xã hội mà cả về năng lực quản trị điều hành. Thứ ba, trong một số vấn đề nội tại, những chương trình, cách thức về cải cách thể chế và một số quyết sách về dự án đầu tư mới được kỳ vọng sẽ mở ra rất nhiều cơ hội lạc quan hơn cho các năm tiếp theo. Một điểm tích cực nữa là về kinh tế đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt trong 2-3 năm gần đây đã phát huy rất tốt, mở ra cơ hội giao lưu kinh tế, thương mại và đầu tư".

Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, Việt Nam đang tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn" về thể chế, với cách làm thể hiện tính đồng bộ, kịp thời, xử lý ngay những vấn đề cấp bách. Ví dụ tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội lần đầu tiên đã xem xét sửa đổi luật theo tinh thần một luật sửa nhiều luật. Như trong lĩnh vực đầu tư, 1 luật sửa 4 luật gồm: Đầu tư, Quy hoạch, Đối tác công tư và Đấu thầu.

Hay tại Kỳ họp thứ VII vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai với mục đích đưa Luật Đất đai có hiệu lực sớm trước thời hạn 5 tháng.

Và cũng lần đầu tiên, đối với những vấn đề cấp thiết, cấp bách nhưng chưa đủ cơ sở để xây dựng thành luật thì sẽ có "Nghị quyết thí điểm". Cụ thể, tại kỳ họp lần này, Chính phủ đã trình Quốc hội để thông qua "Nghị quyết thí điểm" về phát triển nhà ở thương mại.

Từ ngày
- đến ngày