Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - GS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, kết quả tăng trưởng đạt được vừa qua là hết sức ngoạn mục.
Xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng của Việt nam năm 2022. Mới nhất, hãng đánh giá tín dụng Moody's vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định. Nikkei đánh giá chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam xếp thứ 2 thế giới, tăng 12 bậc. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý III, nếu không có thay đổi lớn thì dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt hơn 7%. GS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, kết quả đạt được vừa qua là hết sức ngoạn mục.
"Cuối năm 2021, chúng ta không nghĩ được rằng đến thời điểm này chúng ta đạt được những kết quả này. Điều này cũng dự báo, có lẽ năm nay Việt Nam sẽ thể hiện rõ mình đang đi ngược với vòng xoáy của kinh tế thế giới. Đây không phải là kết quả ngẫu nhiên, mà đây là một kết quả tất nhiên của việc chúng ta điều hành kinh tế, kiên định trong ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện nhiều biện pháp điều hành linh hoạt, gần như "nghệ thuật" điều hành. Đồng thời Chính phủ đã thể hiện sự lắng nghe, cầu thị đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học và đặc biệt là tạo được niềm tin với người dân, doanh nghiệp nên chúng ta thu hút FDI, các nhà đầu tư quốc tế, lượng đầu tư lớn".
Nhận định tình hình kinh tế thời gian tới, GS. Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta đã vượt qua áp lực về lạm phát ở quý II. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất cuối năm nay và sang năm là nguy cơ về suy thoái kinh tế thế giới sẽ dẫn tới nhiều khó khăn cho kinh tế trong nước.
"Giai đoạn này có lẽ cần nới lỏng việc kiểm soát lạm phát và tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong nước. Đây là việc cần thiết để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà phát triển, tạo ra vị thế, chỗ đứng. Và nếu như nền kinh tế thế giới có đi vào lạm phát, khủng hoảng thì chúng ta cũng giữ được thị trường trong nước. Vậy phải hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước như thế nào? Chúng ta cần có cơ chế để cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Hiện nguồn vốn của các doanh nghiệp đang rất khó khăn".
Có thể nói, khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, cần kiên định thực hiện chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt nhưng không phải thắt chặt, giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô cùng với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển./.