Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Theo bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam, trước các mối đe dọa dịch bệnh mới nổi, các nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH trong đó có Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận sức khỏe để chống lại các mối đe dọa này.
Thế giới đang đối mặt với các dịch bệnh mới bởi những nguy cơ, thách thức từ biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, nguy cơ này càng có khả năng gia tăng do những tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ. Những thiệt hại từ BĐKH và thiên tai sẽ tác động mạnh mẽ đến hạ tầng y tế địa phương và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân, gây ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát dịch bệnh của đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Chia sẻ về những lo ngại này, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết.
"Hạn hán, xâm nhập mặn và bão ngày càng gia tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long bên cạnh gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thì có thể là nhân tố dẫn đến nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác cũng như lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người."
Cùng quan điểm trên, bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam cho rằng trước các mối đe dọa dịch bệnh mới nổi, các nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH trong đó có Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận sức khỏe để chống lại các mối đe dọa này.
Mới đây, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã khởi động Dự án "Tăng cường tiếp cận Một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường" nhằm nâng cao năng lực cấp tỉnh/thành phố trong việc phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó trước các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Bà Ramla Khalidi chia sẻ, dự án này sẽ thí điểm triển khai Cần Thơ và An Giang, hai địa phương dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Các hoạt động của dự án được kỳ vọng sẽ giúp các tỉnh tại ĐBSCL nâng cao năng lực phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên quan đến biến đổi khí hậu. Qua đó, tăng cường thực hiện các chiến lược điều phối tiếp cận nguồn nhân lực trong lĩnh vực sức khỏe tại thành phố, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu đến đời sống của người dân trên địa bàn.