Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Bức tranh xuất khẩu hàng hóa tại Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu tích cực, tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng tiếp đà xuất nhập khẩu.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu các ngành hàng thời gian qua đó là triển khai nhiều giải pháp khai thác tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã kí kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
"Tôi cho rằng có các điểm lớn: Một là, tốc độ tăng trưởng và sự thâm nhập thị trường của doanh nghiệp trong nước tại các thị trường ngày càng tốt. Thứ hai, bắt đầu có một số doanh nghiệp trong nước đã có thương hiệu của Việt Nam đã lan tỏa tại thị trường nước ngoài như mặt hàng nông sản như cà phê, gạo, hạt tiêu… Thứ ba, về khía cạnh nhập khẩu, chúng ta đã nhập khẩu những nguyên liệu những máy móc từ các thị trường nước ngoài, ví dụ chúng ta nhập khẩu máy chế biến cà phê từ Châu Âu về sau đó chúng ta chế biến nguyên liệu và xuất khẩu lại Châu Âu. Như vậy, chúng ta cân bằng được từ khía cạnh nhập khẩu và xuất khẩu".
Tuy nhiên, ông Khanh cũng cho rằng công tác triển khai thực thi FTA tại các địa phương thời gian qua còn nhiều tồn tại và khó khăn. Mức độ quan tâm tới triển khai các hiệp định thương mại tại địa phương còn thấp. Theo đó, để duy trì gam màu tươi sáng trong bức tranh xuất khẩu từ nay đến cuối năm, ông Khanh cho biết Bộ Công Thương sẽ chú trọng hơn nữa trong công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại các địa phương.
"Đào tạo và tập huấn là một trong những mục tiêu trọng tâm của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý phải hiểu rõ, đúng về nghĩa vụ, cam kết của Việt Nam đưa ra trong từng hiệp định; việc này cần đào tạo, tập huấn. Vụ Chính sách thương mại đa biên đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các chương trình đào tạo, chia theo các nội dung chúng tôi triển khai rà soát tại các tỉnh, thành phố, hiệp hội để khảo sát nhu cầu đào tạo, có thể hướng tới các trường học để chúng tôi tạo nguồn, xây dựng thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp từng đối tượng. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức 5 khóa và chúng tôi hi vọng các nội dung sẽ đáp ứng được với nhu cầu mọi người".