Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - ĐBSCL là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển các ngành kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch… Tuy nhiên, đây cũng là khu vực đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngày 21/6 tới đây, Chính phủ sẽ công bố Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch này được ban hành nhằm: Xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Trước quyết tâm của Việt Nam, với kỳ vọng ĐBSCL sẽ trở thành thương hiệu quốc tế nông nghiệp-nông thôn, vận tải và hậu cần, bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho rằng Việt Nam nên tận dụng những lợi thế của mình để đạt được điều này.
Bà đại sứ cho rằng, ở bất cứ khu vực, địa phương nào, bên cạnh nguồn tài nguyên, thì yếu tố quan trọng chính là giao thông. Vì vậy, việc quan tâm phát triển hạ tầng giao thông chính là tiền đề, thuận lợi căn bản để các ngành kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, phát triển bền vững.