Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Theo đánh giá của tổ chức Y tế thế giới, đại dịch COVID-19 là một sang chấn, sang chấn đó vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương về tinh thần nghiêm trọng dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần rất lớn.
WHO cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân, không chỉ đối với người già, người trưởng thành mà đối với trẻ em và vị thành niên nguy cơ rối loạn tâm thần cũng rất cao. PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục – Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) nhận định: 'Một người khi bị cách ly ra khỏi môi trường tích cực xã hội quá lâu thì họ sẽ ít vận động hơn, ở nhà thì quá tải với công việc, tiêm nhiễm vào đầu những thông tin không chính xác hoặc không tích cực trên mạng, dẫn đến xu hướng họ bị cô đơn rồi có suy nghĩ thảm họa hóa vấn đề.'
Trong 2 năm trở lại đây, đã có rất nhiều vụ việc đau lòng, đáng tiếc do trầm cảm, sức khỏe tâm thần xảy ra. Nạn nhân của những vụ việc này lại chính là các em nhỏ. Ngoài nguyên nhân do những hệ lụy tiêu cực của COVID-19 đem lại thì theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng cục bảo vệ trẻ em – Bộ LĐTB&XH cho rằng các vấn đề tồn tại trong xã hội thời gian dài cũng chính là những nguyên nhân sâu sắc ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của một số người.
Trong suốt thời gian qua các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội được cung cấp thông qua các trung tâm bảo trợ và phúc lợi xã hội, bệnh viện tâm thần và các phòng tư vấn tâm lý trong trường học, chất lượng và độ bao phủ của các dịch vụ này còn hạn chế và thường tập trung vào những rối loạn sức khoẻ tâm thần nặng. Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra do vấn đề sức khỏe tâm thần đem lại như những ý nghĩ tiêu cực, những hành vi quá khích, bạo lực, theo ông Đặng Hoa Nam, Việt Nam cần phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần không chỉ cho người lớn mà cả trẻ em.