Trần Long 11/10/2024 16:30

Sản xuất, xuất khẩu giữ nhịp phục hồi và tăng trưởng

(Chinhphu.vn) - Tổng sản phẩm trong nước GDP 9 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng là điểm sáng trong 9 tháng, công nghiệp chế biến chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 11,41%.

Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng Cục Thống kê) nhìn nhận, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

"Trong quý III có mức tăng trưởng âm, vì trong tháng 9 chúng ta bị ảnh hưởng của cơn bão Yayi, một số địa phương là trung tâm công nghiệp bị ảnh hưởng của bão như Hải Phòng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đã có các phương án chủ động để thích ứng với tình hình sản xuất bằng việc tái sản xuất, tăng ca, tăng kíp để đảm bảo đơn hàng đã kí kết đối với các đối tác".

Sản xuất, xuất khẩu giữ nhịp phục hồi và tăng trưởng- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý I/2025.

Là nhóm ngành hàng sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là nước duy nhất trong 4 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia; một số doanh nghiệp dệt may đã có tín hiệu đơn hàng sang quý I/2025. Tuy nhiên, để có sự bứt phá dài hạn, các doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, thực hành tiết kiệm để đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh vận hành được ổn định.

"Ngành dệt may Việt Nam trong chiến lược phát triển đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng, điều này thể hiện trong thành công của chúng ta, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới thu hẹp sản xuất thì Việt Nam chúng ta vẫn tăng trưởng. 9 tháng đầu năm nay chúng ta xuất khẩu được 38,4 tỷ (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023), các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam đó là Mỹ (chiếm 39-40%), khối CPTPP (chiếm 16%), thị trường Nhật Bản, EU, Trung Quốc". 

Để sản xuất và xuất khẩu giữ được nhịp tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2024, các chuyên gia cho rằng rất cần những giải pháp, chính sách đột phá, hỗ trợ nhanh cho DN ổn định, phát triển sản xuất.

Mới đây nhất, tại kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 với 63 địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp thiết thời gian tới, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 2024 khoảng trên 7%, tăng trưởng quý IV từ 7,5-8%. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Từ ngày
- đến ngày