Download on the
App Store
Học sinh vùng cao Quảng Nam đón năm học mới. Ảnh: VGP/Minh Trang
Chúng tôi về vùng giáp biên giới xã La Dêê (huyện Nam Giang), xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam, trong những ngày cuối tháng 8, khi học sinh bắt đầu đi tựu trường, làm quen với năm học mới.
Dù thời tiết se lạnh buổi chớm thu nhưng từ sớm, các em Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học liên xã La Dêê - Đắc Tôi đã xúng xính trong những bộ quần xanh áo trắng mới tinh và những bộ trang phục truyền thống rực rỡ của đồng bào, nô nức đến trường gặp lại bạn bè, thầy cô.
Ánh mắt tươi vui, em A Lăng Thị Thu Hà (người Cơ Tu) là học sinh lớp 5, thôn Đắc Pênh, xã La Dêê, chia sẻ: "Do nhà cách trường gần 8 km, nên cứ mỗi sáng thứ Hai mẹ sẽ đưa em đến trường và chiều thứ Sáu đón về nhà. Làm quen với việc bán trú từ năm lớp 1 nên giờ em đã biết tự lập. Ngoài giờ học tập, là "chị cả", em sẽ phụ giúp thầy cô hướng dẫn cho các em nhỏ lớp 1 trong sinh hoạt nội trú".
Vừa dìu dắt các em học sinh lớp 1 đến khu bán trú, cô Hiên Thị Tế, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 bộc bạch: "Khó nhất là tập cho các con em học sinh lớp 1 làm quen với việc sống tự lập xa cha mẹ, những ngày đầu các cô dạy các con từng chút một việc tự vệ sinh cá nhân, giặt đồ, sắp xếp đồ dùng học tập, ngủ cũng luôn bên các con để đỡ nhớ nhà. Nhỡ may các con đau ốm thì các cô cũng kề cận chăm sóc các con từng chút trong khi đợi ba mẹ tới".
Thầy Nguyễn Nhụ, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học liên xã La Dêê – Đắc Tôi cho biết, nằm trên địa bàn vùng biên giới có điều kiện đặc biệt khó khăn, hầu hết học sinh ở đây là người Giẻ Triêng, Cơ Tu. Năm học 2024-2025 này, trường có tổng cộng 296 học sinh, trong đó 136 em học sinh bán trú.
Trong năm học vừa qua, trường đã được chính quyền huyện đầu tư xây mới 4 phòng học dạy chuyên, sắp tới sẽ được đầu tư tiểu cảnh sân trường.
Hiện, cơ sở vật chất của trường tương đối đầy đủ, việc cấp phát sách giáo khoa, đồ dùng dạy học cũng được cấp đến, giao cho giáo viên chủ nhiệm sẵn sàng đón các em tới trường.
"Để học sinh đến lớp đầy đủ, nhà trường thường xuyên tuyên truyền pháp luật, các thông điệp về giáo dục qua zalo cho gia đình, từ đó nhà trường nắm bắt được thông tin để sát sao vận động học sinh đến lớp bảo đảm số lượng, chất lượng trong năm học mới. Tuy là trường vùng sâu vùng xa nhưng các năm qua, tỉ lệ ra lớp luôn đạt 100%", thầy Nguyễn Nhụ cho biết.
Còn tại trường PTDTBT THCS liên xã La Dêê - Đắc Tôi, những ngày vừa qua, thầy cô cùng các em học sinh cũng trở lại trường dọn dẹp vệ sinh lớp học để chuẩn bị cho năm học mới. Dưới bàn tay chăm chút của cô trò, khuôn viên trường vốn đã thoáng mát nay lại càng xanh tươi.
Nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi, em Zơ Râm Tiểu Thư, học sinh lớp 9 (người Giẻ Triêng) cho hay, năm nay cuối cấp 2 nên em rất háo hức được đến trường học tập cũng như vui chơi cùng các bạn, em đã được ba mẹ mua cho 3 bộ áo quần mới tinh.
"Việc bán trú giúp em không phải đi lại vất vả, nhất là lúc mưa bão mà chỉ tập trung vào học tập. Học sinh ở lại được ăn uống đầy đủ, sinh hoạt thể thao, rồi buổi tối có cô giáo kèm học nữa", em Zơ Râm Tiểu Thư vui vẻ chia sẻ.
Cô Doãn Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS liên xã La Dêê - Đắc Tôi cho biết, năm nay trường có tổng cộng 4 lớp, với 142 em học sinh, chủ yếu là người đồng bào. Học sinh bán trú sẽ được tổ chức ăn 3 bữa tại trường, các em được hưởng theo chế độ của Nghị định 116 của Chính phủ, mỗi tháng một em được hưởng 15 kg gạo, bảo đảm cho việc ăn uống, học tập.
"Chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ đã giúp những lớp học trò ở vùng cao đặc biệt khó khăn này có cái bụng đủ ấm, đủ no, "kéo" các em đến trường, đến lớp. Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh vùng cao có ý nghĩa rất lớn, giúp giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, thất học, nâng cao dân trí. Các em được chăm sóc, ăn ở tập trung tại nhà trường, duy trì sĩ số tốt hơn và tỉ lệ ra lớp đều đạt 100%", cô Doãn Thúy Hà cho hay.
Cô Hà cho biết thêm, hiện trang thiết bị, cơ sở vật chất đã được chuẩn bị đầy đủ. Khu vệ sinh, tắm cho các em nội trú cũng vừa khánh thành, bảo đảm chia ra cho nam và nữ, thuận tiện cho các em trong năm học mới.
Ngoài công tác chăm lo cho các em học sinh khó khăn chỗ ăn ở, bán trú thuận tiện cho học tập, chính quyền các địa phương, lực lượng biên phòng cũng xây dựng những mô hình ý nghĩa để chăm lo cho các em có hoàn cảnh thiệt thòi, thiếu vắng tình thương cha mẹ.
Là trẻ mồ côi cha, gia đình lại có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, suốt 6 năm qua, A Lăng Chi được được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang đùm bọc, nuôi dưỡng thông qua mô hình "Con nuôi biên phòng".
Năm nay, A Lăng Chi đã bước vào lớp 9, ý thức được việc học, em háo hức chuẩn bị dụng cụ học tập, đồng phục để bước vào một năm học mới cùng bạn bè, thầy cô.
A Lăng Chi kể, ngoài việc học ở trường cùng bạn bè, thầy cô, ban đêm các chú ở đồn còn dạy kèm bổ trợ kiến thức giúp em học tập tốt hơn, em còn được các chú dạy sử dụng máy vi tính, dạy nếp sống trách nhiệm với xã hội.
"Từ những câu chuyện kể của các chú, em rất thích học lịch sử và mong muốn sau này trở thành bộ đội biên phòng giống các chú để hỗ trợ, giúp người dân; giữ gìn biên cương, vùng trời của Tổ quốc", đôi mắt A Lăng Chi sáng lên khi kể về ước mơ của mình.
Thượng tá Lê Văn Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang cho biết, mô hình "con nuôi biên phòng" là chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, triển khai từ năm 2016. Đến nay, Đồn đã nhận đỡ đầu 28 em với mức hỗ trợ hằng tháng là 500.000 đồng mỗi em bằng nguồn đóng góp của cán bộ chiến sĩ và các mạnh thường quân.
"Còn mô hình "Nâng bước em tới trường" đã hỗ trợ được 25 em, trong đó có 2 em là con nuôi của Đồn biên phòng. Với chương trình này, đầu năm học, các em sẽ được trao tặng quần áo mới, sách vở, cặp sách, đồ dùng học tập... để các em có một năm học mới đầy đủ hơn", Thượng tá Lê Văn Nam chia sẻ.
Chỉ còn vài ngày nữa là năm học mới 2024-2025 chính thức bắt đầu, với sự quan tâm đầu tư đầu tư của Nhà nước, sự san sẻ của cộng đồng xã hội, con chữ yêu thương được gieo nơi vùng khó hôm nay chắc chắn sẽ nảy lên những mầm tương lai tươi sáng...
Lưu Hương – Minh Trang