Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Có thể thấy văn hóa có vị trí, ý nghĩa và vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Đơn cử trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc; đến năm 1943 Đảng đã đề ra Đề cương Văn hóa Việt Nam, trong đó chỉ rõ mặt trận văn hóa là một trong 3 mặt trận: chính trị, kinh tế, văn hóa. Đảng, Nhà nước xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế.
Ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa cho rằng, để "Văn hóa đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội" trở thành nhận thức, chủ trương, chính sách, hành động của mọi cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, thì nhận thức và hành động của mỗi người trong hoạt động thực tiễn ở mọi lĩnh vực xã hội, phải thống nhất để nhận diện đúng, cụ thể về văn hóa.
Ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa.
"Một trong những gốc vấn đề đó là chúng ta xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh. Từ nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp sẽ lan tỏa các hoạt động đến toàn bộ hoạt động văn hóa nói chung, trong đó có tất cả các lĩnh vực quản lý ngành. Khi nhận thức đã đúng, đã trúng thì hành vi con người sẽ thay đổi, qua đó hạn chế tối đa những biểu hiện lệch lạc trong vấn đề nhận thức về văn hóa, cũng như các hoạt động về văn hóa. Đặc biệt vừa qua, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, cho thấy từ Nghị quyết của Đảng, quán triệt của Trung ương đến những lĩnh vực tham mưu, nghiên cứu về cơ chế chính sách, nguồn lực, con người để phát triển đồng bộ".
Ông Thắng nhấn mạnh, một trong 6 quan điểm trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2023 được nêu trong Nghị quyết 01 đó là phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra được Bộ Văn hóa triển khai, phát huy hiệu quả, nổi bật là các hoạt động tăng cường công tác quản lý về lễ hội đầu năm.
Năm 2023 nước ta kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943). Với ý nghĩa tầm vóc lịch sử, văn hóa trong mọi thời đại, Đảng, Nhà nước ta xác định cần tiếp tục củng cố phát triển và bổ sung thêm những yếu tố mới trong mọi mặt phát triển đất nước, để văn hóa được chú trọng phát triển từ các mặt kinh tế - chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại, đặc biệt đặt văn hóa lên làm trọng tâm để phát triển đất nước ổn định, hài hòa, hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay.