Đào Tuấn 11/07/2025 19:59

Nông sản bứt phá xuất khẩu: Cà phê, trái cây và bài toán chất lượng bền vững

(Chinhphu.vn) - Từ cột mốc hơn 5,4 tỷ USD cà phê đến 3,1 tỷ USD trái cây, xuất khẩu nông sản Việt sáu tháng đầu năm đang bứt tốc ngoạn mục. Song, trước hàng loạt tiêu chuẩn mới về nguồn gốc, môi trường và chất lượng từ các thị trường khó tính, bài toán phát triển bền vững đòi hỏi cả ngành nông nghiệp phải thay đổi tư duy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Sáu tháng đầu năm 2025, nông sản Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ thương mại thế giới khi đạt nhiều kỷ lục xuất khẩu mới. Cà phê lập đỉnh kim ngạch với hơn 5,4 tỷ USD, trở thành mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm nông sản. Trái cây cũng duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, mang về hơn 3,1 tỷ USD và giữ vững vai trò nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Những con số này không chỉ phản ánh nỗ lực của người nông dân và doanh nghiệp, mà còn cho thấy dư địa phát triển lớn của nông sản Việt. Tuy nhiên, đằng sau thành tích ấn tượng ấy, bài toán nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng – yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh bền vững – vẫn đặt ra thách thức không nhỏ với toàn ngành.

Nông sản bứt phá xuất khẩu: Cà phê, trái cây và bài toán chất lượng bền vững- Ảnh 1.

Nông sản Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ thương mại thế giới.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), với cây ăn quả, ưu tiên hàng đầu luôn là đảm bảo an toàn thực phẩm và duy trì mã số vùng trồng đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh:"Về phát triển cây ăn quả, hiện nay, chất lượng là mối quan tâm hàng đầu. Trái cây là loại thực phẩm thường được sử dụng trực tiếp dưới dạng tươi, do đó, ưu tiên số một là đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Để phát triển bền vững, cần chú trọng đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Hiện nay, khoảng 70% sản phẩm trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường này có yêu cầu về chất lượng không hề thua kém các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu hay Mỹ. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt."

Ông Nguyễn Quốc Mạnh cũng lưu ý, bên cạnh cây ăn quả, nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam đang đối mặt với những rào cản kỹ thuật mới từ các thị trường nhập khẩu. Những quy định này không chỉ dừng lại ở yêu cầu về chất lượng sản phẩm, mà còn mở rộng sang tiêu chuẩn sản xuất, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi tư duy phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm hơn với hệ sinh thái toàn cầu.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh: "Các thị trường nhập khẩu còn đặt ra những yêu cầu bổ sung. Ví dụ, với cà phê, Liên minh Châu Âu (EU) – nơi chiếm 40% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam – đã ban hành quy định EUDR về chống phá rừng và suy thoái rừng. Hiện nay, giá cà phê đang cao, dẫn đến xu hướng mở rộng diện tích trồng tại các tỉnh. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý không sử dụng đất rừng để trồng cà phê. Chỉ cần vi phạm một lần, chúng ta có nguy cơ bị cấm xuất khẩu sang EU, gây thiệt hại lớn cho ngành."

Những con số tăng trưởng xuất khẩu nông sản nửa đầu năm nay đã khẳng định tiềm lực mạnh mẽ của Việt Nam. Nhưng nếu không hành động quyết liệt để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và bảo vệ môi trường, thành tựu hôm nay có thể trở thành rào cản cho ngày mai. Ngành nông nghiệp cần coi đây là thời điểm then chốt để tái cấu trúc, chuyển đổi tư duy sản xuất sang xanh, sạch, trách nhiệm, nhằm giữ chắc "tấm vé" bước vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ ngày
- đến ngày