Thái Sơn 22/09/2022 09:53

Nông nghiệp: Chuyển từ tư duy bán ‘giá cả’ sang bán ‘giá trị’

(Chinhphu.vn) - Các cụ ngày xưa có câu: “Làm một nghề cho chín còn hơn làm chín nghề” hay “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, chữ “chín” và chữ “tinh” chính là sự chuyên nghiệp. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng thì chúng ta lại càng phải coi trọng hơn đến giá trị cốt lõi đó là “chín” và “tinh”.

Nếu nông dân bán xoài ở Đồng Tháp mà chỉ biết bán xoài thì chưa giàu được, tương tự người trồng sầu riêng ở Tây Nguyên nếu không biết bán hình ảnh, bán chữ tín của mình thì cũng không giàu được. Người nông dân ngày nay không chỉ bán nông sản mà phải có tư duy bán "chính mình". Nêu ra một số ví dụ và giải thích cho khái niệm bán "chính mình" là như thế nào, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, khi bán con người chúng ta chính là bán thái độ, bán tâm huyết, bán trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Và khi đó, niềm tin người tiêu dùng sẽ tăng lên, niềm tin sẽ giúp mở rộng nhu cầu, mà theo quy luật cung cầu, khi cầu tăng thì giá trị sẽ tăng.

Nông nghiệp: Chuyển từ tư duy bán ‘giá cả’ sang bán ‘giá trị’ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Hiện nay, cạnh tranh trong thị trường là cạnh tranh về chất lượng sản phẩm cũng như cạnh tranh về mặt thương hiệu. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đưa ra một số giải pháp mà ngành nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới để đủ sức làm chủ trên sân nhà cũng như vươn tầm quốc tế, đem lại những giá trị gia tăng cao hơn.

Nông nghiệp: Chuyển từ tư duy bán ‘giá cả’ sang bán ‘giá trị’ - Ảnh 2.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

"Giải pháp thứ nhất, nâng cao năng lực dự báo, thông tin thị trường từ các tổ chức Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn lớn để định hướng cho tổ chức sản xuất; làm "cánh kéo" cho giá trị của địa phương. Giải pháp thứ hai, phát triển công nghệ chế biến tiên tiến gắn với kinh tế vùng và vùng sản xuất, thích ứng với từng thị trường và nhóm thị trường. Giải pháp thứ ba, phải ban hành quy trình, sản xuất của từng loại nông sản chủ lực để tổ chức theo chuỗi giá trị trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu. Giải pháp thứ tư, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần cho nông nghiệp, nhất là kho chứa, kho bảo quản, giao thông và quá trình khi vận chuyển hàng hóa từ vùng nguyên liệu về cơ sở chế biến. Giải pháp thứ năm, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dựa trên ngành, nền tảng của kỹ thuật số, kinh tế số; bảo hộ thương hiệu nông sản tại các thị trường lớn ổn định mà nhập khẩu nhiều của Việt Nam".

Từ ngày
- đến ngày