Trần Long 25/09/2024 14:02

Nỗ lực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão

(Chinhphu.vn) - Mưa bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Trong đó, trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản là những ngành có tăng trưởng cao nhất lại chịu thiệt hại nhiều nhất.

Bà Lê Thị Hòa, xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội chia sẻ, những bông lúa gần đến ngày thu hoạch thì nay đã mất trắng. Xót của bà Hòa ra đồng thu hoạch lúa nảy mầm về làm thức ăn chăn nuôi gia cầm.

"Cơn bão số 3 vừa qua tại khu vực chúng tôi ở ngoài đê bị nước lũ ở sông Đáy tràn vào rất nhanh, chúng tôi không kịp trở tay. Nhà tôi có 4 sào ruộng lúa nếu không bị bão dự kiến vụ này nhà tôi được 2 tạ/sào. Thế nhưng bây giờ nhà tôi mất trắng hết và chỉ vớt vát được ít để chăn nuôi".

Nỗ lực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão- Ảnh 1.

Sau mưa lũ, có hàng ngàn hecta lúa bị sạt lở và ngập úng.

Còn tại TP. Sơn La mưa lũ đi qua đến nay nhiều hộ dân vẫn còn ngập úng, sạt trượt, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Chị Quàng Thị Hằng, bản Phiêng Nghè, xã Chiềng Đen mất ăn mất ngủ nhiều ngày chia sẻ, năm nay ngoài làm 1 hecta hoa màu thì gia đình chị tăng gia sản xuất thêm 200 con gà để tạo thêm thu nhập có tiền trả nợ vào dịp Tết, thế nhưng giờ mất trắng không còn gì cả.

"Nhà tôi nuôi 200 con gà, chỗ này chúng tôi định bán để lấy tiền trả nợ vào dịp tết nhưng bây giờ lũ đến mất hết rồi, không biết làm sao cả. Bão qua rồi chúng tôi tìm cách nuôi lại thôi".

Thống kê từ ngành Nông nghiệp, hàng chục nghìn tỷ đồng là con số ước thiệt hại từ cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã và đang phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ các giải pháp về kỹ thuật, con giống, vật tư sản xuất, thức ăn, thuốc… Đồng thời, Bộ cũng đề xuất Chính phủ hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và đặc biệt phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn.

"Phục hồi sản xuất là yếu tố quan trọng nhất đối với nông nghiệp hiện nay. Riêng về nuôi biển năm 2024 đạt 850 nghìn tấn, xuất khẩu từ 800 triệu đến 1 triệu USD, chăn nuôi đạt trên 8 triệu tấn thịt và trên 20 tỷ quả trứng... thì đây là ảnh hưởng đáng kể đối với tốc độ tăng trưởng. Để giải quyết được thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt trước trong và sau tết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ con giống, thức ăn, vật tư..."

Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024, ngày 17/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143 đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả với các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão…; đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, nhất là vùng bị ảnh hưởng nặng nề do lũ, thiên tai.

Từ ngày
- đến ngày