Những lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số
(Chinhphu.vn) - Lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống nhằm thoả mãn khát vọng trở về cội nguồn, sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ, sáng tạo văn hoá của nhân dân. Trong số đó các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số có những nét đặc sắc riêng rất giá trị, vì vậy việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần đó là hết sức cần thiết. Hiện nay, tại một số địa phương vẫn còn lưu giữ được các lễ hội truyền thống văn hoá quý báu của các dân tộc thiểu số.
12/12/2022
10:39
Lễ hội 'đút cốm dẹp' của đồng bào Khmer
Lễ hội Ok Om Bok, còn gọi là lễ cúng trăng hay lễ "đút cốm dẹp". Ok Om Bok là lễ hội lớn trong năm cùng với Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ cúng ông bà Sene Dolta của đồng bào Khmer.
Lễ hội được tổ chức vào thời điểm kết thúc vụ mùa để tỏ lòng biết ơn đối với Mặt Trăng, vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ họ trong việc bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi và sự no ấm.
Thần Mặt Trăng là một vị thần điều tiết mùa màng trong năm. Vì vậy, họ lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm lễ vật cúng Mặt Trăng.
Đặc sắc Lễ cầu mùa năm mới của người Dao Tiền
Lễ cầu mùa được diễn ra vào những ngày đầu năm mới, đây là một trong những tập quán xã hội gắn liền với tín ngưỡng của người Dao Tiền xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Thông qua lễ hội, người Dao Tiền muốn gửi gắm tâm tư, ước nguyện cầu mong mùa màng tươi tốt, cây trái trĩu quả, chăn nuôi phát triển…
Lễ cầu mùa năm mới là một nét văn hóa rất đặc trưng của người Dao. Trước đây nghi thức này được người Dao tổ chức trang trọng, có sự tham gia của cả cộng đồng, đồng bào dân tộc sinh sống tại một bản, một vùng vào dịp đầu năm mới. Già làng, trưởng bản, các thầy mo và bà con trong bản họp bàn nhau lại để chuẩn bị cho lễ cúng với các công việc cụ thể như: chọn thầy cúng, chuẩn bị lễ vật, chọn địa điểm và ngày cúng. Lễ cúng thường được tổ chức vào ngày Thìn hoặc ngày Sửu vì theo quan niệm của đồng bào Dao tổ chức lễ cúng vào ngày này làng bản sẽ gặp nhiều may mắn.
Lễ hội đua bò kéo bừa ở An Giang
Đây là một lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ; là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo ở vùng Bảy Núi, An Giang.
Lễ Hội được tổ chức hằng năm vào dịp lễ Đôn ta của người dân tộc Khmer, diễn ra khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch hằng năm.
Kể từ năm 1992, chính quyền địa phương đã đưa Hội đua bò thành lễ hội truyền thống, lấy tên là "Lễ hội đua bò truyền thống Bảy Núi". Hàng năm cứ vào đầu tháng Tám Âm lịch, các chủ bò đều tích cực tuyển các đôi bò khỏe mạnh và chọn các chàng trai lực lưỡng để tập dượt.
Lễ hội đua bò Núi Bảy là hoạt động nhằm phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao văn hóa, tinh thần, tạo không khí phấn khởi trong đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp Tết Đôn ta. Đồng thời, quảng bá hình ảnh đua bò Bảy Núi đến đông đảo nhân dân trong nước và thế giới...
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch nằm trong dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.
Dự án hướng tới mục tiêu hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.