Thái Sơn 11/04/2024 09:56

Nhu cầu điện năm 2024 dự báo tăng cao, đâu là giải pháp?

(Chinhphu.vn) - Nhu cầu sử dụng điện của toàn nền kinh tế năm 2024 dự báo sẽ tăng 9,6%.

Năm 2023, việc điều tiết giảm cung ứng điện cục bộ ở một số nơi, một số thời điểm đã gây ra khó khăn cho nền kinh tế cũng như đời sống người dân. Ngay đầu năm 2024, Chính phủ và Bộ Công Thương đã sớm dự báo tình hình, đề ra các kịch bản, giải pháp tính toán kỹ lưỡng nhu cầu và năng lực cung ứng điện. Theo ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương hiện đã ban hành Quy định 3110 về Kế hoạch vận hành Hệ thống điện quốc gia năm 2024. Trong đó, nhu cầu sử dụng điện của toàn nền kinh tế năm nay dự báo sẽ tăng khoảng 9,6%.

"Trong các tháng đầu năm, nhu cầu sử dụng điện của Hệ thống điện quốc gia và Hệ thống điện miền Bắc tăng trưởng khoảng 11%. Đây là các tháng còn chưa phải mùa nắng nóng. Đối với các tháng nắng nóng hơn như tháng 5,6,7 thì tốc độ tăng trưởng sử dụng điện có thể lên đến 13%. Để chúng ta dễ hình dung, thì nhu cầu sử dụng của riêng miền Bắc khoảng 25.000 MW. Mà 10%/năm là khoảng 2500 MW, tương đương mỗi năm chúng ta cần thêm một nhà máy có công suất tương đường Nhà máy thủy điện Sơn La mới đáp ứng được tốc độ tăng trưởng phụ tải và nhu cầu sử dụng điện của khu vực phía Bắc."

Nhu cầu điện năm 2024 dự báo tăng cao, đâu là giải pháp?- Ảnh 1.

Ngày 15/4, Việt Nam lần đầu tiên sử dụng khí hóa lỏng (LNG) để phát điện.

Trước những thách thức, khó khăn trên, ngành điện đã chủ động, kịp thời triển khai đồng bộ rất nhiều các giải pháp, ông Nguyễn Quốc Trung cho biết.

"Thứ nhất, đối với thủy điện thì chúng tôi đã có chiến lược tích nước, để dành nước trong các hồ thủy điện để dùng cho những lúc cần thiết khi thời tiết nắng nóng nhất trong tháng 5,6,7.Tính đến nay, chúng tôi đã trữ nước trong các hồ thủy điện khoảng 11 tỷ kWh. Thứ hai, chúng tôi cũng đã làm việc với các địa phương và các cơ quan liên quan để tiết kiệm tối đa nước ở vùng hạ du, hài hòa giữa việc sử dụng nước dưới hạ du nhưng vẫn phải bảo đảm nước cho phát điện. Thứ ba, đối với các nguồn nguyên liệu khác, năm nay Tập đoàn điện lực đã đưa nguồn năng lượng mới vào vận hành. Đó là nguồn khí hóa lỏng LNG. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thương thảo và đã ký hợp đồng với bên cung cấp khí để có khả năng chạy được nguồn khí này tại nhà máy khu vực Đông Nam Bộ vào 15/4 này. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta chạy LNG để phát điện.

Đối với các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí thì bản thân EVN và các đơn vị ngoài ngành cũng rà soát vật tư dự phòng để khả dụng tối đa cả về nhiên liệu than và các tổ máy. Đối với công tác vận hành thì chúng tôi cũng rã soát gần 300 nhà máy thủy điện nhỏ để dịch chuyển làm sao phát đúng vào giờ khách hàng sử dụng điện nhiều nhất".

Ngoài ra, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để truyền tải tối đa lượng điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc, đáp ứng cho phụ tải miền Bắc và không sửa chữa các tổ máy trong các tháng cao điểm. Đặc biệt, Trung tâm sẽ chủ động phối hợp với các Tổng công ty Điện lực để tính toán nhu cầu phụ tải và đưa ra các tín hiệu về tiết kiệm điện, từ đó tuyên truyền việc sử dụng điện đúng lúc, đúng chỗ, nên dồn vào thời điểm nào để đem lại hiệu quả sử dụng tốt nhất.

Từ ngày
- đến ngày