Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Có thể thấy, trên bước đường phát triển của một quốc gia, dân tộc, nghề giáo luôn giữ một vai trò rất hệ trọng đó là “trồng người”, vun đắp cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện tại, đây cũng là một nghề có không ít ưu tư. Thực tế năm 2022, những con số thống kê cho thấy, có 16.000 giáo viên nghỉ việc, có nhiều giáo viên dạy giỏi, công tác nhiều năm chuyển sang một công việc khác vì chế độ đãi ngộ thấp. Hiện cả nước đang thiếu hơn 100.000 giáo viên/ tổng số 1,6 triệu giáo viên.
Là một trong số những giáo viên trẻ, cô Lại Thu Hương, Trường THPT Tây Thụy Anh, tỉnh Thái Bình cho biết về những trăn trở của mình khi đến với nghề giáo. Bên cạnh những niềm vui khi được đứng trên bục giảng, truyền tải tri thức và phần nào giúp các em học sinh hoàn thiện nhân cách, nghề giáo cũng khiến cô đứng trước những áp lực nhất định.
"Đối với tôi nghề dạy học là nghề vô cùng thiêng liêng và cao quý. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Dưới ánh sáng của mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học". Và tôi cảm thấy mình rất yêu và đam mê với nghề. Có nhiều quan điểm cho rằng thu nhập của giáo viên còn bấp bênh và còn nhiều khó khăn. Tôi thấy rằng, đã có rất nhiều đồng nghiệp vì thu nhập của nghề giáo thấp so với mặt mặt bằng chung những công việc trong xã hội và những thầy cô đó đã chuyển hướng sang một nghề nghiệp khác và quyết định nghỉ việc. Thế nhưng tôi vẫn lựa chọn nghề nghiệp này bởi vì thứ nhất tôi rất yêu học sinh, thứ hai mỗi khi mình được truyền đạt kiến thức đến học trò, đến nhiều thế hệ học sinh những bài học mới, tri thức mới tôi cảm thấy rất yêu nghề và tự hào".
Có thể thấy, dù nghề giáo có vất vả, có gian truân, có những áp lực đối diện với những đổi mới giáo dục nhưng nghề giáo cũng mang lại những trải nghiệm, hạnh phúc mà những ngành nghề khác không có, cô Hương chia sẻ.
"Là một cô giáo trẻ mình mong rằng, chế độ đãi ngộ, lương, thưởng của giáo viên sẽ được Nhà nước quan tâm hơn; các cơ sở hạ tầng, vật chất ở các trường học cũng sẽ được chú trọng. Ngoài ra, ở miền núi, về giáo dục cũng sẽ được đầu tư hơn nữa".
Hiện nay, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo là một trong những nhiệm vụ cách mạng của toàn Đảng, toàn dân tộc. Để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng này, như lời Bác Hồ đã dạy, cần phải thực hành dân chủ và phát huy dân chủ rộng rãi. Phải xã hội hóa, dân chủ hóa giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2022-2023 ngành giáo dục vẫn còn đứng trước những thách thức nhất định mà thời gian tới cần phát huy hơn nữa.
"Những công việc ngành giáo dục cần phải làm trong thời gian phía trước vẫn còn đầy thách thức, như thách thức của việc khắc phục những hậu quả rất nặng nề của dịch bệnh để lại. Thách thức của việc đổi mới đối với giáo dục phổ thông. Thách thức đối với việc nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục đại học. Đó là thách thức của việc phổ cập, đó là thách thức của việc đưa trẻ đến trường trên phạm vi cả nước. Đó là thách thức của sự vượt lên chính mình để khẳng định chất lượng và đào tạo và tăng cường tạo dựng thêm những niềm tin từ phía xã hội đối với ngành giáo dục thì vẫn luôn là những thách thức rất lớn đối với toàn ngành cho nên cũng rất mong toàn thể lực lượng giáo viên ra sức cố gắng, phấn đấu hoàn thiện bản thân và không ngừng đỏi mới sáng tạo để hoàn thành thật tốt các công cuộc đổi mới đối với ngành. Cũng mong tất cả học sinh hoàn thành thật tốt nhiệm vụ học tập, tu dưỡng của mình để đạt được mục tiêu trở thành những công dân tốt, trở thành nguồn nhân lực cao cho toàn xã hội".