Download on the
App Store
Một năm sau ngày Thành phố mở cửa, cột mốc nghe thật ngắn ngủi nhưng chứa đựng những biến cố tưởng chừng không thể hình dung. Ký ức về những tháng ngày gian truân vẫn còn đó như những vết thương chỉ vừa kịp liền da, nhắc ta nhớ về một giai đoạn đen tối nhưng chưa bao giờ tắt hy vọng. Một năm thăng trầm để rồi những gì đọng lại đã khắc họa nên câu chuyện của Ngày gặp lại, cuộc hạnh ngộ của ký ức và niềm tin về một thành phố vững vàng tiến về phía trước.
Hơn 2000 hiện vật còn lại với thời gian
Được mệnh danh là “Người lưu giữ ký ức của Sài Gòn”, hơn 30 năm qua, anh Huỳnh Minh Hiệp vẫn luôn từng ngày gom nhặt những hiện vật liên quan đến Thành phố mang tên Bác. Anh chia sẻ: “Những hiện vật của Thành phố trước kia tôi đã sưu tập rất nhiều. Khi Thành phố có dịch, tôi hiểu những điều thảm khốc này sẽ không thể nào quay lại lần nữa, chỉ đến một lần thôi nên tôi nghĩ mình phải tiếp tục gìn giữ một cái gì đó cho đất nước. Tôi đã đã quyết định đi tìm kiếm những hiện vật liên quan tới COVID-19 trong năm 2021”.
Những hiện vật như giấy đi đường, phiếu đi chợ, các loại giấy tờ phục vụ cho công tác phòng, chống dịch không chỉ của Thành phố Hồ Chí Minh mà của rất nhiều địa phương trên cả nước do nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp tìm kiếm và lưu giữ đến thời điểm này đã có hơn 2000 hiện vật. Ngày gặp lại, sau một năm kể từ ngày thành phố mở cửa, những hiện vật ấy giờ đây đã mang những giá trị nhất định, trở thành những câu chuyện tô điểm cho ký ức chung của Thành phố.
“Rất khó khăn để tìm những phiếu đi chợ của người dân. Ở thời điểm bùng phát dịch thì mỗi gia đình được có 1-2 phiếu, nhưng khi đi chợ mua đồ sẽ bị thu lại hết. Tôi đi các tỉnh thành, lân la trong các nhà dân, rồi hàng quán, tôi đi xin hết và tìm lại những phiếu đi chợ. Tôi cũng rất may mắn khi được những lực lượng tuyến đầu gửi tặng những thẻ tình nguyện, giấy đi đường và những công văn ban hành trong đợt dịch vừa qua”, anh Hiệp cho biết.
Anh xúc động chia sẻ thêm: “Mỗi hiện vật tôi sưu tập được sẽ có một câu chuyện riêng. Trong bộ sưu tập về những ký ức COVID-19, tôi nhớ nhất là những tờ giấy giao nhận hài cốt và đặc biệt là giấy nhận quà do Ủy ban Mặt trận gửi đến của một em bé 9 tuổi có cha mất trong đợt dịch. Đến bây giờ khi cầm tờ giấy đó, tôi vẫn rớt nước mắt”.
Vào ngày gặp lại, những cô chú tổ COVID cộng đồng - những người đứng mũi chịu sào cũng đã góp mặt để cùng cảm nhận nhịp sống của Thành phố.
Là giảng viên đã về hưu, 21 năm nay, cô Nguyễn Thị Thu luôn tham gia các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM. Khi Thành phố có dịch, cô càng bận rộn với những công tác như phát phiếu đi chợ, phát các túi an sinh, hỗ trợ những người dân khó khăn. Cô bộc bạch: “Trong lúc dịch mình may mắn còn sức khỏe. Mình có sức khỏe thì mình giúp đỡ người khó khăn bằng nhiều cách, đóng góp nhỏ cho công tác chống dịch của Thành phố”.
70.000 bình oxy được sản xuất từ nhà máy A41
Tại Ngày gặp lại, người dân Thành phố không chỉ được nhìn lại những hiện vật trong mùa dịch mà còn được lắng nghe câu chuyện đặc biệt từ một nhà máy sản xuất oxy - Nhà máy A41 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, đóng quân trên địa bàn quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà máy có nhiệm vụ sửa chữa máy bay vận tải quân sự, máy bay huấn luyện, xe máy đặc chủng và các thiết bị kỹ thuật hàng không khác.
Bên cạnh đó, nhà máy cũng thực hiện nhiệm vụ sản xuất oxy hàng không dân dụng và oxy để đảm bảo cho các trung đoàn không quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Đặc biệt, trong giai đoạn cam go nhất của dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà máy A41 đã chuyển đổi mục đích sử dụng của những chiếc bình oxy này để hỗ trợ oxy cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bàn về quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng oxy của nhà máy A41 trong thời điểm đó, Đại tá Nguyễn Đức Bắc - Chính ủy Nhà máy A41, Quân chủng Phòng không Không quân chia sẻ: “Từ việc nhận thức được sự cần thiết của oxy đối với người dân nói chung cũng như đối với mỗi bệnh nhân COVID lúc bấy giờ, chúng tôi thấy rằng oxy như là hơi thở, là sự sống của người dân. Đứng trước tình thế đó, đối với lực lượng vũ trang, chúng tôi quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng cũng như Chỉ thị của đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và hiểu rằng nhiệm vụ giúp dân phòng, chống dịch bệnh thiên tai là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình”.
Mặc dù lúc đó lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân chưa tiêm mũi vaccine nào nhưng cán bộ, chiến sĩ A41 vẫn quyết tâm rất cao và xác định là phải làm và làm bằng mọi giá, kể cả hy sinh, Đại tá Nguyễn Đức Bắc nhớ lại.
Trong thời điểm căng thẳng của dịch bệnh, thực hiện theo chỉ thị của Trung tướng Vũ Văn Kha - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân là phải tập trung mọi lực lượng, mọi phương tiện để sản xuất oxy càng nhiều càng tốt với một quan điểm nhất quán rằng mỗi bình oxy được đưa đi là một mạng sống được giữ lại, nhà máy A41 dường như đã hoạt động hết công suất để có thể đáp ứng được lượng oxy phục vụ cho các bệnh nhân. Đại tá Nguyễn Đức Bắc chia sẻ: “Chúng tôi đã tập trung mọi lực lượng tăng ca từ hai ca bình thường lên đến ba ca, bốn ca mỗi ngày, công suất sản xuất oxy từ 350 đến 400 bình/ngày lên đến là từ 4.500-5.000 bình/ngày. Kết quả là hơn 70.000 bình oxy đã được sản xuất phục vụ người dân TPHCM từ nhà máy A41 của chúng tôi”.
Hiện nay, khi Thành phố bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển, nhà máy A41 cũng chuyển về trạng thái hoạt động bình thường với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và kinh tế mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó. Cùng với việc sản xuất oxy phục vụ quân đội, nhà máy A41 cũng bắt đầu nhiệm vụ cung cấp oxy cho các hãng hàng không dân dụng.
“Chúng tôi muốn đảm bảo cho các chuyến bay được an toàn, đặc biệt là phi công, để đưa để đón khách trong nước cũng như khách quốc tế đến với Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi một chuyến bay bay lên, chúng tôi gần như gửi niềm tin, niềm hy vọng của chúng tôi vào trong đấy, kỳ vọng bạn bè trong nước cũng như là bạn bè quốc tế được đến Thành phố Hồ Chí Minh, được tham quan, du lịch, được làm việc và được chứng kiến Thành phố đã chuyển mình thần kỳ như ngày hôm nay, thực sự là một thành phố bình yên, năng động phát triển và nghĩa tình”, Đại tá Nguyễn Đức Bắc bày tỏ.
Ngày gặp lại, bầu trời của Thành phố Hồ Chí Minh, bầu trời của Việt Nam cũng đã nhộn nhịp hơn. Những chuyến bay trong nước và quốc tế đến với Thành phố mang theo những cuộc hội ngộ đặc biệt. Trong đó có cả chuyến bay đưa người con của vùng đất Thái Bình trở lại Thành phố để đến với Ngày gặp lại. Đó là cuộc hạnh ngộ giữa điều dưỡng Nguyễn Thùy Dung thuộc lực lượng chi viện với các y bác sĩ của Bệnh viện dã chiến số 6.
Vào thời kỳ Thành phố căng mình chống dịch, chị Nguyễn Thùy Dung đã xung phong vào đoàn chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh của Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, trở thành lực lượng tuyến đầu đồng hành cùng Thành phố đến khi Thành phố mở cửa. Tại Ngày gặp lại, chị xúc động chia sẻ: “Năm ngoái, lúc mình vào Thành phố công tác thì Thành phố gần như một thành phố ngủ, bị cô lập và rất buồn. Nhưng bây giờ sau một năm quay lại, mình thật sự rất bất ngờ và xúc động. Thành phố nay đã lấy lại vẻ nhộn nhịp giống như những gì trước kia mình được nghe nói về Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tuy thời gian khó khăn nhất của công tác phòng chống dịch COVID-19 đã qua, nhưng ký ức về những ngày tháng đau lòng đó vẫn còn nơi chị. Ngày điều dưỡng Nguyễn Thùy Dung gặp lại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tròn một năm kể từ ngày bố chị mất.
“Lúc đó tôi rất là buồn và đau đớn. Tôi gần như là bế tắc, không biết làm như thế nào. Nhưng cũng may là tôi nhận được sự động viên của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo của Bệnh viện dã chiến số 6 cùng với anh em đồng nghiệp đã luôn bên cạnh, chia sẻ với tôi và lập bàn thờ cho bố tôi từ xa. Tôi rất xúc động cảm thấy mình được an ủi phần nào. Bây giờ, tròn một năm, nhìn lại tôi vẫn thấy có lỗi với bố nhưng cũng cảm thấy tự hào vì tôi đã góp một phần nhỏ bé của mình để đẩy lùi dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi tin là bố tôi cũng sẽ yên nghỉ và vui vì tôi”, chị Dung nhớ lại.
Hạnh ngộ cùng chị Dung ở Ngày gặp lại không chỉ có các bác sĩ của Bệnh viện dã chiến số 6 mà còn có lãnh đạo của Sở Y tế. Tiến sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nghẹn ngào chia sẻ: “Chúng ta nhìn thấy hình ảnh của một bạn rất là nhỏ bé, dễ thương từ tỉnh thành xa xôi vào miền Nam chi viện cho Thành phố. Tại thời điểm đó, bạn là một trong những người có thể mang cái mầm bệnh lây nhiễm bất cứ lúc nào đối với những người khác. Nhưng tôi vẫn quyết định ôm bạn để chia sẻ tình cảm, cùng động viên nhau tại thời điểm khốc liệt đó”.
Không chỉ câu chuyện của chị Dung mà trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, đã có rất nhiều y, bác sĩ như chị Dung, là lực lượng tuyến đầu quan trọng góp phần to lớn trong việc đẩy lùi dịch bệnh tại TPHCM. Và khi Thành phố trở về nhịp sống của sự phục hồi và phát triển, ngành Y tế vẫn luôn là lực lượng nòng cốt, từng ngày từng giờ chăm lo sức khỏe cho người dân Thành phố. TS.BS. Phan Minh Hoàng khẳng định: “Cùng nhau trải qua thời điểm khó khăn nhất, đến bây giờ màu áo blouse trắng của chúng tôi càng đoàn kết hơn, càng vững vàng hơn để có thể vượt qua nhiều khó khăn phía trước. Và một thực tế cho thấy rằng càng khó khăn thì ngành Y tế càng trưởng thành, đóng góp cho cộng đồng”.
Song song với những liều vaccine từ Bộ Y tế, người dân Thành phố lúc bấy giờ cũng nhận được liều “vaccine tinh thần” từ thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương. Sống và làm việc tại Thành phố trong giai đoạn căng thẳng của dịch COVID-19, Thái Dương hiểu rõ những mong muốn bấy giờ của người dân. Chính những tình cảm nghĩa tình của người dân Thành phố đã tạo nguồn cảm hứng cho thầy giáo trẻ sáng tác các ca khúc “Sài Gòn tôi sẽ” và “Thành phố gì kỳ”. Anh chia sẻ: “Tôi rất vui khi bài hát của mình đã là nguồn động viên đến mọi người trong thời điểm đó. Những sự yêu thương, những sự san sẻ từ các chiến sĩ áo xanh, áo trắng và tất cả các màu áo đã tạo ra động lực để cùng nhau vượt qua đại dịch”.
Trong thời kỳ Thành phố đương đầu với dịch bệnh, giữ vai trò lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quan trọng và thiết yếu như chế biến, xuất khẩu nông sản, thực phẩm, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM đã đồng hành xuyên suốt cùng người dân Thành phố. Không còn là những buổi họp căng thẳng về việc điều phối hàng hóa, tìm cách tháo gỡ các khó khăn, duy trì sản xuất an toàn, cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân, tại Ngày gặp lại, bà Lý Kim Chi đã chia sẻ những câu chuyện về động lực, sức mạnh của doanh nghiệp cũng như niềm tin về việc Thành phố sẽ lấy lại nhịp sống khỏe khoắn vốn có.
Bà Lý Kim Chi cho biết bên cạnh sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, sự quan tâm của chính quyền Thành phố đã để lại trong bà nhiều cảm xúc. “Điều giờ phút này đọng lại lớn nhất trong tôi là tình cảm, sự sẻ chia của các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và lớn nhất nữa là sự sâu sát, hỗ trợ của chính quyền Thành phố. Từng ngày trôi qua, chính quyền Thành phố như kề cận kế bên để xử lý từng tình huống, giúp doanh nghiệp bớt lo lắng trong những ngày đó”.
Bàn về quyết định mở cửa của Thành phố, bà Lý Kim Chi nhấn mạnh: “Thành phố Hồ Chí Minh với dân số đông nhất cả nước, quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, nếu lúc đó chúng ta không dựa vào những cơ sở khoa học để mở cửa thì gần như là đóng băng toàn bộ”.
Lương thực, thực phẩm luôn là nhu cầu hàng đầu của người dân, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh. Thực hiện theo thông báo của Thành phố, các doanh nghiệp của ngành chế biến lương thực, thực phẩm luôn duy trì sản xuất, thực hiện “ba tại chỗ” là sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ. Dù gặp nhiều khó khăn như nguy cơ nhiễm bệnh bất cứ khi nào và phải giữ giá cả bình ổn của Thành phố, nhưng các doanh nghiệp vẫn luôn cố gắng vì mục tiêu chung là đẩy lùi dịch bệnh. Bà Lý Kim Chi chia sẻ: “Trao đổi với các doanh nghiệp thì họ nói thế này: Chị ơi, giờ này còn giá cả gì nữa, có bao nhiêu sản xuất đưa ra cho đồng bào mình hết”.
Với nỗ lực duy trì và tăng cường sản xuất cùng với lượng hàng dự trữ, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc đảm bảo “cái ăn, cái mặc” cho người dân Thành phố. Bà Lý Kim Chi cho biết: “Sau này mới điều chỉnh giá chứ suốt bảy tháng dịch không thay đổi một giá nào với tất cả các nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Chủ yếu lúc đó tất cả là tấm lòng”.
Có thể nói đối với đội ngũ doanh nhân TPHCM, những ngày tháng vừa qua là một trận chiến, họ lao vào và chiến đấu bằng sự yêu thương, sẻ chia. Chính sự quyết tâm đồng lòng của các doanh nghiệp đã góp phần vào sự hồi phục của Thành phố ngày hôm nay. Chia sẻ về những thành tựu vừa qua, bà Lý Kim Chi khẳng định bên cạnh niềm tin Thành phố sẽ vượt qua được đại dịch, thì sự nghĩa tình, tình yêu thương, sự gắn bó, đoàn kết của cộng đồng, của người dân, của đội ngũ doanh nhân, các nhà trí thức khoa học và đặc biệt là chính quyền Thành phố chính là những mảnh ghép tạo nên bức tranh Thành phố hồi sinh như hiện tại.
Với cương vị là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cũng là một thành viên của Tổ tư vấn phục hồi, phát triển kinh tế của Thành phố, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân là một trong số ít những người ở TPHCM có thể nhận biết được tổng quan những thiệt hại, tổn thất mà Thành phố đã phải trải qua trong giai đoạn cam go nhất của dịch bệnh. Chia sẻ tại chương trình, TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh ông luôn có niềm tin vào sự phục hồi của Thành phố thông qua những con số, những nghiên cứu cụ thể.
Vào thời điểm của hơn một năm về trước, khi Thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn căng thẳng nhất của công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, mỗi ngày có từ 1.000-2.000 lượt xe cứu thương lưu thông để giành lấy sự sống cho bệnh nhân. Tiếng còi xe trở thành âm thanh ám ảnh của người dân Thành phố. Trước tình hình đó, theo Trần Hoàng Ngân, ưu tiên hàng đầu khi ấy là tính mạng của người dân chứ không phải là mục tiêu kép vừa tăng trưởng vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cho nên Thủ tướng Chính phủ và Thành phố đã tập trung triển khai tiêm vaccine thật thần tốc.
Chia sẻ về quyết định mở cửa mang tính lịch sử, ông Trần Hoàng Ngân cho biết đây là kết quả của một quá trình phân tích, nghiên cứu dựa trên thực tiễn. Khi Thành phố có dấu hiệu kiểm soát được dịch bệnh, 95% người dân đã được tiêm mũi 1 và 25% người dân đã được tiêm mũi 2, số ca tử vong giảm dần, các loại thuốc điều trị COVID và các lực lượng y tế tuyến đầu ược đảm bảo, Thành phố đã mạnh dạn nới lỏng giãn cách. “Bởi vì dịch bệnh có thể đe dọa đến tính mạng con người, nhưng nếu để nền kinh tế kiệt quệ, suy thoái thì những tác hại cũng rất là lớn”, ông Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Nhìn lại bức tranh phục hồi của Thành phố kể từ ngày 1/10/2021 đến nay, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân cũng đã chia sẻ về những con số biết nói, minh chứng cho sức bật của Thành phố. Theo ông, trước kia Thành phố có những giai đoạn tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước. Nhưng năm 2020, Thành phố đã tăng trưởng thấp hơn bình quân cả nước do sự tàn phá của dịch bệnh. Đến năm 2021, lần đầu tiên Thành phố bị suy thoái, tăng trưởng âm, tức là suy giảm rất sâu.
Nhưng bắt đầu từ quý I/2022 với quyết định nới lỏng giãn cách và mở cửa trở lại từ ngày 1/10, thực hiện hàng loạt các chiến lược, chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội thì những con số dần khả quan hơn. TS. Trần Hoàng Ngân khẳng định: “Cả năm chúng ta sẽ tăng trưởng trên 9%, tức là chúng ta đã phục hồi. Chúng ta đã lấy lại những gì mà chúng ta đã mất trong năm 2021, thậm chí là có thêm một chút. Điều đó có nghĩa là Thành phố của chúng ta đang phục hồi và tiếp tục sẽ là đầu tàu, là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế,...”
Vượt qua mọi khó khăn, trong 9 tháng đầu năm, Thành phố đã đóng góp nguồn thu 350 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 90% dự toán đã đạt được, tăng tới 27,7%. Theo ông Trần Hoàng Ngân, “Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương đóng góp nhiều nhất cho cả nước, thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc phát triển đất nước, thể hiện rõ mình là một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Trải qua những tháng ngày đầy cam go, chúng ta càng hiểu thấu hơn về những giá trị của những quyết sách mà lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện lúc bây giờ. Nhận nhiệm vụ mới trong bối cảnh TPHCM đang trải qua đợt dịch COVID-19 chưa từng có, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã gánh trên vai những trọng trách to lớn từ kiểm soát dịch bệnh, ổn định xã hội… đến việc tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Đến với Ngày gặp lại, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ về các quyết định, chính sách của Thành phố và trải lòng về những nỗi niềm của riêng mình khi cùng gắn bó với Thành phố mang tên Bác.
Nhìn lại một năm về trước, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết cả nước đã đứng trước những quyết định rất khó khăn. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh sau khi thận trọng tiếp thu ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là ý kiến của các cơ quan thì đã mạnh dạn mở cửa. Kết quả đạt được đó là các hoạt động kinh tế xã hội đã trở lại bình thường, quy mô của nền kinh tế Thành phố ngày được mở rộng. Cùng quá trình phục hồi kinh tế, rất nhiều công trình, dự án đã hoàn thành và khởi công trong một năm qua.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ: “Với tôi, không có một quyết định nào ở Thành phố này là nhỏ hết, đặc biệt là các quyết định trong thời gian phòng, chống dịch vì nó liên quan tới sức khỏe, tính mạng, đời sống của người dân. Những thành tựu đạt được là niềm động viên rất lớn để chúng ta tiếp tục trong thời gian sắp tới. Nhưng tôi cho rằng điều lớn nhất mà chúng ta đạt được là niềm vui của người dân khi thấy Thành phố được phục hồi, và tương lai phát triển của Thành phố mà hơn một năm trước chúng ta chưa từng dám nghĩ tới”.
Nhớ lại những trăn trở, lo ngại trước khi đưa ra quyết định nâng cấp độ giãn cách xã hội trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp kể từ ngày 23/8/2021, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết: “Những quyết định liên quan đến nâng mức độ giãn cách là quyết định rất khó khăn, bởi vì nó cản trở các hoạt động sinh hoạt bình thường của người dân, các hoạt động phòng chống dịch và các hoạt động kinh tế xã hội khác. Tuy nhiên, chúng ta đã có một sự chuẩn bị tương đối là kỹ. Ở thời điểm đó, lắng nghe ý kiến của các tổ chức, các chuyên gia để có một phương án đúng đắn và chúng ta đã đi đến quyết định”.
Tại tọa đàm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đã chia sẻ về 3 nguyên nhân then chốt giúp TPHCM hồi sinh như hiện tại. Đầu tiên là ý chí vươn lên, sự năng động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp Thành phố. Thứ hai là những chính sách, quyết sách cũng như sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương đối với Thành phố. Cuối cùng phải kể đến sự chủ động của hệ thống chính trị Thành phố trong việc ban hành các biện pháp vừa phòng chống dịch, vừa mở cửa và sự linh hoạt trong việc tiếp thu và triển khai các chính sách của Trung ương. Với 11 chiến lược được Thành phố ban hành đã tạo nên sự chủ động, góp phần phát huy sự năng động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp.
Hiện tại, Thành phố sẽ tập trung đeo thực hiện các mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố để tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh việc tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai các công trình về hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đô thị… Chủ tịch UBND cũng nhấn mạnh: “Còn một điểm nữa mà chúng tôi thấy rất quan trọng, đó là quan tâm đầu tư cho phát triển văn hóa xã hội ngang bằng với kinh tế”.
Sau đại dịch, các vấn đề xã hội của một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh đã dần được bộc lộ, Thành phố cần có sự đầu tư, giải quyết để tạo động lực cho sự phát triển sau này. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đã đề ra mục tiêu trọng tâm cho Thành phố là phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế không chỉ của cả nước mà còn là của khu vực.
Nhận nhiệm vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những tháng ngày hết sức đặc biệt và đồng hành cùng với Thành phố trong một giai đoạn cam go, tại Tọa đàm, ông Phan Văn Mãi cũng đã chia sẻ những tình cảm của riêng mình dành cho Thành phố: “Tôi thấy rất vinh dự khi được sống, được làm việc và được đóng góp vào sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID vừa qua. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, toàn tâm toàn ý để thực hiện tốt nhất chức trách của mình, góp phần vào việc xây dựng và phát triển Thành phố xứng tầm như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong buổi làm việc gần đây với Thành phố”.
Đến với Ngày gặp lại, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đã gửi lời tri ân đến những lực lượng tuyến đầu và người dân Thành phố cũng như người dân cả nước đã đồng hành cùng Thành phố trong những tháng ngày vừa qua: “Cảm ơn bà con Thành phố, các đồng chí đồng nghiệp đã quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ tôi trong thời gian vừa qua và tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ này để tôi có cơ hội đóng góp xây dựng Thành phố cùng cả nước phát triển”.
Phương Thảo-Thùy Duyên