Trần Long 26/03/2025 07:00

Ngành dệt may chuyển đổi để thích ứng trong giai đoạn mới

(Chinhphu.vn) - Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỷ USD. Đây là mục tiêu cần sự nỗ lực lớn, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu về tính bền vững và trách nhiệm xã hội ngày càng trở nên quan trọng đối với các thị trường quốc tế.

Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỷ USD. Đây là mục tiêu cần sự nỗ lực lớn, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu về tính bền vững và trách nhiệm xã hội ngày càng trở nên quan trọng đối với các thị trường quốc tế.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, bước vào giai đoạn mới, để phát triển và duy trì được vị thế trong chuỗi dệt may toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam cần chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh để tạo lực, tạo đà về đích mục tiêu đã đề ra trong năm nay.

Ngành dệt may chuyển đổi để thích ứng trong giai đoạn mới- Ảnh 1.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ về các giải pháp đột phá phát triển ngành dệt may.

"Trong giai đoạn mới để có thể vươn mình, phát triển và duy trì vị thế của mình trong chuỗi dệt may toàn cầu, ngành Dệt may Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói riêng phải chuyển đổi phương thức kinh doanh từ các đơn vị riêng lẻ, cạnh tranh theo từng doanh nghiệp trở thành một khối chung cạnh tranh trong toàn tập đoàn. Khai thác triệt để mối liên hệ cho sản xuất chuỗi, từ sản xuất nguyên liệu đến sản xuất hàng may mặc. Đặc biệt, phát triển thiết kế hàng hóa dệt may, thiết kế thời trang và hướng tới là nhà cung cấp giải pháp trọn gói cho các hãng thời trang trên toàn cầu".

Cùng với việc cạnh tranh theo chuỗi, ông Trường chia sẻ thêm, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may cũng rất quan trọng. Đồng thời, phát triển bền vững trên 4 trụ cột: Môi trường-Xã hội-Quản trị và Tài chính.

"Chiến lược trong giai đoạn tới của ngành Dệt may Việt Nam là hình thành một chuỗi cung ứng các sản phẩm xanh về thời trang để phục vụ cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây vừa là mục tiêu vừa phù hợp với xu thế của thế giới vừa khẳng định tính tiên tiến, tiên phong của ngành Dệt may Việt Nam trong phát triển, hội nhập với thế giới".

Ngành dệt may chuyển đổi để thích ứng trong giai đoạn mới- Ảnh 2.

Khai thác triệt đề mối liên hệ cho sản xuất chuỗi, từ sản xuất nguyên liệu đến sản xuất hàng may mặc.

Trong bối cảnh hiện nay, với các khó khăn từ cạnh tranh các thị trường, sự chuyển mình mạnh mẽ của kỷ nguyên số, những thách thức do ảnh hưởng của địa chính trị cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với sự chủ động trong chiến lược sản xuất kinh doanh, ngành dệt may kỳ vọng và tin tưởng sẽ hoàn thành được mục tiêu đã đề ra trong năm 2025, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Từ ngày
- đến ngày