Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, gây nên các nguy cơ, thách thức mới cho quá trình phục hồi và phát triển của các nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, trong đó có Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng tiềm tàng như: chiến tranh, dịch bệnh, tài chính, môi trường…
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, xử lý khủng hoảng là bộ phận rất quan trọng, cần có trong những chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp phải ở tâm thế chủ động chứ không phải chạy theo khi khủng hoảng đến. Tôi nghĩ rằng quản trị khủng hoảng là một vấn đề đặc biệt quan trọng. Khái niệm khủng hoảng và quản trị khủng hoảng doanh nghiệp hiện chưa được quy định trong các văn bản pháp lý cũng như trong những hướng dẫn…Chúng tôi rất mong thiết kế những nội dung đào tạo, quản trị khủng hoảng hay những tư vấn để có một bộ hướng dẫn giúp doanh nghiệp khi lúng túng có thể sử dụng ngay."
Trong báo cáo nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng COVID-19 do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT vừa công bố cho thấy, trong 630 doanh nghiệp được khảo sát thì yếu tố các doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất để giúp họ ứng phó với khủng hoảng chính là năng lực quản trị.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, bản chất câu chuyện quản trị tốt không chỉ để nâng cao sức mạnh nội tại của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp tận dụng được lợi ích từ các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, trong bối cảnh CMCN 4.0, chuyển đổi số thì việc cải thiện vấn đề quản trị là xu thế tất yếu.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
"Đặc điểm của những doanh nghiệp đã vượt qua khủng hoảng COVID-19 thì tôi thấy rằng yếu tố về quản trị doanh nghiệp tốt ngày càng trở nên quan trọng. Tại sao lại như vậy? Ví dụ như các bộ phận về quản trị rủi ro nếu như hoạt động tốt thì đã bao gồm các yếu tố để có năng lực phòng, chống và quản trị rủi ro, vấn đề về nhân sự và lương thưởng, vấn đề về chiến lược kinh doanh. Nếu năng lực quản trị tốt thì tất cả những yếu tố đó đều sẽ tốt. Cái nữa, nếu như chúng ta thúc đẩy được quản trị tốt thì đây là giải pháp cả ngắn hạn, dài hạn và có tác động lan tỏa. Ví dụ, hiện nay chúng ta bàn rất nhiều về thị trường vốn, trái phiếu, chứng khoán, vấn đề niềm tin khách hàng, vấn đề năng lực và kiến thức của nhà đầu tư. Nhưng, chất lượng của thị trường vốn không có vấn đề gì khác ngoài chính bản thân chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp phát hành. Quản trị chính là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng các doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng ta hiện cũng nói rất nhiều về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Quản trị tốt sẽ thúc đẩy kinh doanh liêm chính, thực thi hiệu quả những chính sách phòng, chống tham nhũng."