Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Theo số liệu của Cục Trẻ em, Bộ LĐTT&XH, trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ. Trong số này, có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Theo số liệu của Cục Trẻ em, Bộ LĐTT&XH, trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ. Trong số này, có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp xử lý những trường hợp này. Có thể thấy, đây là những con số đang báo động khẩn về vấn đề bảo vệ trẻ em trước những thông tin mạng độc hại hiện nay.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, nguyên nhân dẫn những hệ quả trên đó là do trẻ em bị tác động lớn bởi công nghệ internet, môi trường mạng. Trước đó, UNICEF đã gióng lên cảnh báo nguy cơ về những vấn đề liên quan đến tác động của trí tuệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT đối với trẻ em, và việc bảo vệ trẻ em ở trên không gian mạng.
Với vai trò là người đồng hành và bảo vệ trẻ em, ông Nam cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật và các chính sách liên quan để tạo cho trẻ em môi trường an toàn, không gian mạng lành mạnh.
Hệ thống pháp luật Việt Nam đã có quy định pháp lý để góp phần bảo vệ an toàn trẻ em và phòng chống xâm hại cho em trên không gian mạng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Tôi cho rằng, đây là một chính sách, chương trình rất kịp thời. Về phía Bộ LĐTT&XH chúng tôi cũng đã chủ động tham mưu cho Bộ trưởng để xây dựng các kế hoạch để thực hiện Quyết định 830 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Đồng thời, chúng tôi cũng đã tham gia vào quy chế phối hợp liên ngành bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Bộ LĐTT&XH. Và với quy chế liên ngành này đã được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.
Cùng với quan điểm trên, bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện triệt để chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay đã rất cấp thiết chứ không chỉ là cần thiết. Và việc thực hiện trong chăm sóc trẻ em và bảo vệ trẻ em không những Đảng, Nhà nước mà toàn xã hội chúng ta đều phải quan tâm.
Qua thực tế khảo sát và giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ở một số tỉnh miền núi cho thấy, đối với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có bốn thách thức và nguy cơ lớn hiện nay. Thứ nhất, mạng Internet và mạng xã hội đã làm xuất hiện nhiều trò chơi phim ảnh trên mạng có tính bạo lực, khiêu dâm, đặc biệt là những sản phẩm độc hại. Cùng với đó là diễn biến phức tạp của tội phạm trên môi trường mạng. Thứ hai, việc phát triển các hàng rào kỹ thuật phòng ngừa xâm hại cho trẻ em trên môi trường mạng thực sự chưa được quan tâm đúng mức. Thách thức thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em trên mạng và trên internet và mạng xã hội, chưa được quan tâm nhiều. Thách thức cuối cùng, hầu hết vùng nông thôn, miền núi đều là vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất hiện nay về việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.
Theo các chuyên gia, 'lá chắn' quan trọng để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong thời gian tới đó là, duy trì và tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật thì vai trò của xã hội, nhà trường và gia đình là rất cấp thiết qua việc giáo dục, truyền thông và nâng cao nhận thức cho trẻ em, thanh thiếu niên, từ đó các em có thể tự nhận biết và phân biệt bảo vệ chính mình trên môi trường mạng.