Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Quý I năm 2025 khép lại với những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Việt Nam. Lần đầu tiên sau đại dịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao chưa từng có. Điều này không chỉ phản ánh xu hướng phục hồi toàn cầu, mà còn cho thấy sự chủ động trong chính sách và hành động của Việt Nam.
Theo thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong tháng 3/2025, Việt Nam đón hơn 2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung trong quý I, tổng lượng khách quốc tế đạt khoảng 6 triệu lượt, tăng 29,6%, con số cao nhất từ trước đến nay.
Phân tích số liệu từ các thị trường cho thấy, hầu hết những quốc gia được Việt Nam miễn thị thực đều có mức tăng trưởng mạnh, thấp nhất là 20%, nhiều thị trường đạt trên 30%, thậm chí một số nước châu Âu đạt tới 50%.
Cầu Vàng Đà Nẵng – Điểm đến thu hút khách du lịch trên đỉnh Ba Na Hills.
Hiệu quả từ chính sách miễn thị thực
Phân tích số liệu từ các thị trường cho thấy, hầu hết những quốc gia được Việt Nam miễn thị thực đều có mức tăng trưởng mạnh, thấp nhất là 20%, nhiều thị trường đạt trên 30%, thậm chí một số nước châu Âu đạt tới 50%. Theo ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, điều này không chỉ phản ánh xu hướng phục hồi toàn cầu, mà còn cho thấy sự chủ động trong chính sách và hành động của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group: "Thứ nhất, chúng ta thu hút được một lượng khách có sức chi tiêu cao, có thời gian du lịch dài ngày tại Việt Nam."
' Chúng ta có thể nhìn thấy , do vấn đề thời gian lưu trú dài hơn và nhu cầu của khách trở nên phong phú hơn, đã tạo điều kiện để chúng ta phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch ở những vùng địa phương mà trước đây chưa phải là những điểm nóng về đầu tư du lịch và hạ tầng du lịch. Bởi vì nhu cầu của khách du lịch ngày nay họ muốn tìm đến những vùng đất hoang sơ, không đông đúc khách du lịch. Như vậy, với lượng khách của Việt Nam chúng ta hiện nay, đó là một điều kiện để các địa phương đó, các vùng miền sâu, vùng xa có khả năng phát triển những sản phẩm du lịch như du lịch cộng đồng, hỗ trợ cho các hộ nông dân, các hộ đồng bào dân tộc có thể đón được khách du lịch quốc tế'- ông Nguyễn Đông Hòa nhận định.
Khách quốc tế thích thú với các hoạt động tham quan, trải nghiệm.
Những chuyển biến tích cực về lượng và chất trong dòng khách quốc tế thời gian qua, vừa khẳng định sức hấp dẫn ngày càng tăng của du lịch Việt Nam, vừa mở ra dư địa lớn cho phát triển theo hướng chất lượng và bền vững. Với đà tăng trưởng hiện tại, mục tiêu đón 22–23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi.
Cần tăng tốc triển khai các giải pháp
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đông Hòa, để hiện thực hóa mục tiêu này, yếu tố then chốt nằm ở năng lực tổ chức thực hiện và tốc độ triển khai các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra.
'Nếu chúng ta đang nói về các giải pháp cho du lịch, thì chưa bao giờ chúng ta lại có các chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ đến như vậy. Chúng ta nói tới Nghị quyết 82 và sau đó là Chỉ thị 08 của Chính phủ. Ở trong các văn bản này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những đánh giá và đưa ra những giải pháp rất sát thực. Quan trọng nhất hiện giờ phải làm cho nhanh, phải có tiến độ, có thời gian và chúng ta phải thực hiện. Bởi vì cạnh tranh trên phương diện quốc tế thì không nước nào chờ chúng ta cả.' - ông Nguyễn Đông Hòa nhấn mạnh.
Phố cổ Hội An hơn 400 năm tuổi là điểm đến thu hút du khách quốc tế.
Theo ông Nguyễn Đông Hòa về phía doanh nghiệp, giải pháp quan trọng nhất hiện nay chính là làm thế nào để nâng cao được năng suất lao động, áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quản lý, công tác đào tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí...
Cơ hội của ngành du lịch trong năm 2025 đến từ hai yếu tố quan trọng: đà tăng trưởng mạnh mẽ của khách quốc tế và những chuyển biến tích cực trong tư duy quản lý, cơ chế chính sách, cùng với hành động cụ thể từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Được tiếp sức bởi các chính sách quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ và sự thay đổi trong xu hướng du lịch toàn cầu, du lịch Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa bứt phá để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong kỷ nguyên phát triển mới.