Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Sau hơn 35 năm đổi mới, thành tích tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước ta là rất tích cực, tổng thu nhập bình quân đầu người từ mức 86 USD/năm vào năm 1986 thuộc nhóm thấp nhất lên mức 3.759 USD vào năm 2021.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta vẫn phải tích cực tìm kiếm nguồn lực và động lực mới cho phát triển. Tính chất của nền kinh tế nước ta là liên tục chuyển đổi, liên tục thay đổi cấu trúc. Đặc biệt, chúng ta chuyển đổi khi thế giới cũng trong quá trình chuyển đổi lên bậc rất cao và bản thân Việt Nam cũng có khát vọng từ một nền kinh tế có xuất phát điểm thấp nhảy lên nền kinh tế bậc cao. Đây thực sự là cơ hội, nhưng cơ hội đó để hiện thực hóa được chắc chắn thách thức là rất lớn. Bản chất mô hình tăng trưởng ở Việt Nam làm sao giữ cho được hai việc, một là kinh tế tư nhân, hai là mở cửa hội nhập đúng với nghĩa của nó, tháo được những yếu tố kiềm chế, yếu tố gọi là "níu giữ" đi thì tăng trưởng của Việt Nam sẽ rất tốt.
Một dự án điện gió tại Ninh Thuận
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, hiện nay Việt Nam đã có khát vọng, ý chí chính trị mạnh mẽ để "bắt kịp, đi cùng thời đại" trong phát triển và đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ.
Khi nhìn về vấn đề phát triển, trước kia ta nhìn thấy có sự đánh đổi rất nhiều. Xanh thì tăng trưởng phải giảm, công bằng xã hội thì tăng trưởng phải giảm, đó là sự đánh đổi. Tuy nhiên, những tư tưởng phát triển mới hiện nay thì cái xanh ngày càng gần với việc phân bổ nguồn lực hiệu quả theo nghĩa thị trường truyền thống, vấn đề xã hội cũng vậy. Chúng ta thấy khoảng cách và sự đánh đổi đấy bây giờ đã giảm rất nhiều. Vì chính áp lực thị trường, vì nhận thức thay đổi về sự can thiệp của nhà nước, vì hội nhập và các cam kết, đặc biệt là các FTA, về năng lượng tái tạo, về chuyển giao công nghệ...
Theo các chuyên gia, để nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo thì phải cải cách và tái cấu trúc trên 3 trụ cột, đó là: Cải cách thể chế, hoàn thiện hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực…Trong đó, những vấn đề cơ bản đặt ra là: Ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế; tái cấu trúc/cải cách cơ cấu hệ thống tài chính, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công; hội nhập quốc tế, chuyển đổi chiến lược thu hút FDI gắn với dịch chuyển chuỗi cung ứng/chuỗi gia trị toàn cầu; đổi mới sáng tạo, chiến lược tận dụng CMCN 4.0; phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
"Bỏ qua quá khứ thì không có tương lai, nhưng tương lai thì không phải là sự kéo dài tuyến tính của quá khứ, đặc biệt là trong bối cảnh mới", TS Võ Trí Thành nêu quan điểm.