09/08/2024 09:39

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát

(Chinhphu.vn) - Tháng 7/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,73%.

Chia sẻ về số liệu trên, PGS. TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế nhận định, tình hình lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội. Kết quả này cũng cho thấy nỗ lực trong điều hành các chính sách của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát- Ảnh 1.

PGS. TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế.

"Thủ tướng Chính phủ đề ra nhiều giải pháp, kiểm soát lạm phát không chỉ kiểm soát giá cả các mặt hàng, mà đó là tổng thể hài hòa các biện pháp, trong đó biện pháp quan trọng và chủ yếu nhất là chính sách tiền tệ".

Bên cạnh những tín hiệu khả quan PGS. TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm còn nhiều biến số khó lường, tình hình địa chính trị trên thế giới sẽ tác động tới giá cả thế giới và tác động trực tiếp đến Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi của nền kinh tế trong nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp để kiểm soát lạm phát mục tiêu là 4%.

"Trong những tháng cuối năm Chính phủ đề ra nhiều giải pháp, đối với tài chính như thế nào; thu chi ngân sách đảm bảo cân đối; đối với ngành Công Thương phải giải quyết vấn đề cung - cầu hàng hóa, đặc biệt là công tác quản lý giá và thị trường… Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đề ra mục tiêu đó là làm sao tăng trưởng ở mức cao nhất và lạm phát phải ở mức thấp nhất".

Mới đây ngày 5/8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối. Tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%, tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Về chính sách tài khoá, Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Từ ngày
- đến ngày