Đào Tuấn 20/03/2025 17:13

Kích hoạt tiềm năng công nghệ trong doanh nghiệp tư nhân

(Chinhphu.vn) - Chính phủ đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý, tạo bệ phóng cho khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, việc thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) được xem là chiến lược quan trọng nhằm khai thác tối đa tiềm năng đổi mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, một dự án luật sửa đổi nhiều luật được trình Quốc hội vào tháng 5 tới sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân có một hành lang pháp lý rõ ràng hơn, giảm bớt rủi ro khi tham gia vào những dự án khoa học công nghệ. Việc sửa đổi này cũng hướng tới đa dạng hóa các hình thức hợp tác công tư, mở ra những mô hình mới.

Kích hoạt tiềm năng công nghệ trong doanh nghiệp tư nhân- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thông tin về cơ chế hợp tác công tư trong thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số, tại hội nghị sáng 18/3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng: "Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị luôn dự thảo nghị định hướng dẫn, để sau khi luật được thông qua, chúng ta ban hành nghị định hướng dẫn để áp dụng ngay. Nội dung chính của hợp tác công tư lần này bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phát triển đa dạng các loại hình hợp tác công tư, như "đầu tư công-quản trị tư" thông qua các phương thức đầu tư PPP như BO (nhà nước đầu tư, giao tư nhân quản lý vận hành), BOO (nhà nước đầu tư, tư nhân vận hành và chuyển giao cho tư nhân); hợp tác, liên doanh giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công với tư nhân nghiên cứu, triển khai, ứng dụng KHCN… hoặc "đầu tư tư-sử dụng công" thông qua các hình thức đầu tư BOT, BT hoặc sử dụng ngân sách thuế, thuê mua, mua sản phẩm công nghệ do tư nhân đầu tư…"

Đồng thời, để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ đang xem xét các chính sách ưu đãi đặc thù như miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đây là những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư chảy mạnh hơn vào lĩnh vực KHCN.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: "Chúng tôi cũng dự kiến bổ sung quy trình thực hiện riêng dự án PPP về khoa học công nghệ; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các nhà đầu tư đề xuất PPP mà nhà đầu tư sở hữu có bản quyền công nghệ chiến lược. Trong trường hợp này, nhà đầu tư không cần phải đề xuất phương án kỹ thuật thực hiện dự án, chỉ cần chứng minh năng lực giá trị và đề xuất tài chính thương mại cho cơ quan nhà nước, và sẽ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với các dự án PPP về khoa học công nghệ. Còn nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước dành cho các dự án PPP cũng như áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu, vấn đề cam kết mua lại các sản phẩm khoa học công nghệ…"

Các chính sách mới như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân, từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các công ty, tập đoàn lớn tham gia vào đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bằng cách giảm rào cản tài chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đảm bảo thị trường tiêu thụ, những chính sách này có thể tạo ra bước đột phá cho sự phát triển của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc cập nhật thông tin, xây dựng chiến lược R&D bài bản và tìm kiếm những mô hình hợp tác hiệu quả với khu vực công.

Từ ngày
- đến ngày