Đào Tuấn 22/05/2025 20:33

Khu vực kinh tế tư nhân cần đi đầu trong chuyển đổi xanh bằng đòn bẩy tín dụng

(Chinhphu.vn) - Kinh tế tư nhân đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp hơn 51% GDP và tạo việc làm cho 82% lực lượng lao động. Trong tiến trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh và dựa trên công nghệ, khu vực này cần được trao cơ chế đủ mạnh để phát huy vai trò dẫn dắt.

Tín dụng xanh: Đòn bẩy quan trọng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng 

Một trong những đòn bẩy quan trọng là tín dụng xanh – công cụ tài chính mang tính chiến lược. Theo TS Bùi Thanh Minh, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị đang mở ra nhiều cơ hội mang tính bước ngoặt, trong đó tín dụng xanh là một trụ cột quan trọng: 

"Nghị quyết về kinh tế tư nhân tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, để thay đổi mô hình tăng trưởng quốc gia cũng như mô hình tăng trưởng nội tại của chính doanh nghiệp. Trước đây, chúng ta chủ yếu dựa vào thâm dụng lao động và tài nguyên, nhưng nay có cơ hội chuyển đổi sang mô hình phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong nghị quyết về kinh tế tư nhân, có những chương, mục nhấn mạnh việc hỗ trợ tín dụng xanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ hai, chúng ta hỗ trợ các doanh nghiệp, ví dụ như hộ kinh doanh, trong việc chuyển đổi số. Đối với chương trình dành cho 1.000 doanh nghiệp tiên phong, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn, đồng thời tham gia giải quyết các bài toán lớn của quốc gia. Rõ ràng, kinh tế tư nhân đang có nhiều cơ hội trong bối cảnh hiện tại. Dòng tín dụng xanh là một động lực, một chất xúc tác để kinh tế tư nhân phát huy tốt hơn, góp phần giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050."

Khu vực kinh tế tư nhân cần đi đầu trong chuyển đổi xanh bằng đòn bẩy tín dụng- Ảnh 1.

TS Bùi Thanh Minh, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.

Ba điểm nghẽn lớn cản trở dòng vốn xanh đến với doanh nghiệp

Dù chính sách đã mở đường, việc hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều trở ngại. Tín dụng xanh, dù được kỳ vọng là đòn bẩy quan trọng, hiện chưa phát huy hết vai trò do nhiều lực cản trong thực tiễn triển khai. Khoảng cách giữa định hướng vĩ mô và năng lực hấp thụ của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực tài chính xanh, vẫn còn khá lớn. Theo TS Bùi Thanh Minh, có ba điểm nghẽn cơ bản đang cản trở dòng vốn xanh đến đúng nơi cần thiết:

"Những thách thức trong việc triển khai tín dụng xanh bao gồm: Thứ nhất, Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống phân loại xanh. Thứ hai, các cơ chế ưu đãi tài chính còn rất hạn chế. Thứ ba, về phía doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trong số 740.000 doanh nghiệp tư nhân, khoảng 47% báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Do đó, các ngân hàng cần phát triển các sản phẩm tín dụng không chỉ dựa trên tài sản đảm bảo hay kết quả kinh doanh trước đây, mà có thể dựa vào tài sản hình thành trong tương lai hoặc giá trị từ công nghệ và hiệu quả của các dự án do doanh nghiệp thực hiện."

Cần một hệ sinh thái tài chính xanh linh hoạt và bao trùm hơn

Không thể kỳ vọng khu vực tư nhân dẫn dắt chuyển đổi xanh nếu hệ thống tài chính chưa sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận. Điều quan trọng không chỉ là tăng quy mô tín dụng, mà là tái thiết lại toàn bộ hệ sinh thái tài chính theo hướng linh hoạt, bao trùm và khuyến khích đổi mới bền vững. Một khi tín dụng xanh không còn là ngoại lệ mà trở thành thông lệ, khi các rào cản thể chế và tiêu chuẩn đánh giá được tháo gỡ đồng bộ, khu vực kinh tế tư nhân sẽ có điều kiện phát huy trọn vẹn vai trò tiên phong. Đó không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng, mà còn là cam kết mạnh mẽ cho tương lai xanh và phát triển bền vững của đất nước.

Từ ngày
- đến ngày