Thái Sơn 21/11/2024 07:29

Khơi thông nguồn tín dụng cho các mục tiêu phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững, vì lợi ích cộng đồng.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc này cũng điều chỉnh hành vi, tiến tới thực hành các tiêu chuẩn xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững cho toàn nền kinh tế.

"Đến 30/9/2024 đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; tập trung ở hai lĩnh vực là ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nông nghiệp xanh. Các tổ chức tín dụng cũng đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22% trên tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023".

Thời gian tới, để thúc đẩy xanh hóa hoạt động ngân hàng hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, bà Hà Thu Giang cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau.

"Thứ nhất là sẽ tiếp tục theo dõi và hướng dẫn kịp thời cũng như tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình các tổ chức tín dụng thực hiện Thông tư 17/2022/TT-NHNN về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Thứ hai là hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai cấp tín dụng xanh sau khi Thủ tướng ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia. Thứ ba là hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, từ đó tăng cường huy động nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Thứ tư là tham gia các diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh và tăng trưởng bền vững. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững".

Khơi thông nguồn tín dụng cho các mục tiêu phát triển bền vững- Ảnh 1.

Đến 30/9/2024 đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận vốn tín dụng xanh cho doanh nghiệp như: Xây dựng các Hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, xã hội của các dự án đầu tư theo hướng cập nhật, dễ dàng tiếp cận làm cơ sở để các tổ chức tín dụng có thể tra cứu thông tin nhằm đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội.

Tiếp theo là hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp dần tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. Việc nữa là sớm trình Thủ tướng ban hành quyết định về tiêu chí môi trường đối với các dự án đầu tư được cấp tín dụng, phát hành trái phiếu xanh để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng cấp tín dụng.

Cuối cùng, là xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ ví dụ như thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả các nguồn vốn tín dụng xanh.

Từ ngày
- đến ngày