Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Với chiến dịch tiêm chủng thần tốc, đi sau về trước, Việt Nam trở thành một trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới với khoảng 200 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm cho người dân. Cuộc sống đang dần trở lại nhịp sống bình thường, các hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu và đầu tư từng bước khôi phục và cho thấy những tín hiệu tăng trưởng tích cực. Liệu đã đến lúc Việt Nam đưa COVID-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A hay chưa?
Hiểu rõ đường lây của COVID-19 và các biện pháp phòng ngừa đã đủ an toàn
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM cho rằng một khi đã hiểu rõ đường lây của dịch bệnh và các biện pháp phóng ngừa đã đủ an toàn, mặt khác dịch bệnh không còn đe dọa làm vỡ trận khối điều trị y tế thì chúng ta có thể đưa ra khỏi nhóm A. Hiện nay, chúng ta đã làm tốt được những việc này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: "Thứ nhất, chúng ta đã tìm hiểu khá rõ về bệnh này rồi, biết cách phòng ngừa, biết ai là đối tượng nguy cơ, pháp đồ điều trị đã đạt chuẩn. Theo số liệu thực tế tuy số bệnh tăng nhưng tỷ lệ tử vong giảm còn rất thấp. Cho nên việc đưa ra ngoài là hợp lý, bởi vì lúc đó chúng ta không cần thiết phải kiểm soát lây lan của dịch bệnh tới mức tối đa, ảnh hưởng đến kinh tế. Thứ hai, chúng ta đã hiểu được ai cần phải tiêm vaccine, ai cần tiêm bổ sung, ai cần tiêm mũi 4 và ai cần tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nhất để hạn chế tỷ lệ tử vong. Nó giống như bệnh thông thường là sốt xuất huyết, chúng ta hiểu được đường lây, chúng ta đưa ra biện pháp phòng ngừa cơ bản, chúng ta hiểu được ai là đối tượng nguy cơ để có biện pháp bảo vệ sớm".
Việc chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B rất quan trọng, quan trọng ở chỗ nếu chúng ta chậm đưa ra khỏi nhóm A thì sẽ mất mát rất nhiều về khía cạnh kinh tế, tốn kém rất nhiều trong chiến lược phòng bệnh như trang thiết bị, con người... Bên cạnh đó gây cảm giác sợ hãi cho người dân. Đặc biệt khi chúng ta vẫn để ở nhóm A thì những người có bệnh nền thực sự, cần điều trị bệnh nền tốt hơn lại được đưa vào chỗ không được điều trị tối đa về bệnh nền bởi vì họ phải cách ly ở khu điều trị COVID-19.
Khi nới lỏng toàn bộ thì cũng phải dự phòng đồng bộ.
Theo quan điểm của PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam để chuyển sang bệnh lưu hành, bệnh từ nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B việc đầu tiên phải xem dịch bệnh COVID-19 còn bùng phát mạnh hay không, có xuất hiện biến chủng mới nữa không, phải thể hiện tính ổn định qua các năm và phải dự báo được.
PGS.TS Trần Đắc Phu nêu quan điểm: "Tổ chức Y tế thế giới vẫn cảnh báo là còn biến chủng mới. Thứ hai là tình hình chuyển nặng và tử vong do nhiễm COVID-19 có tăng cao không? Có quá tải hệ thống y tế không?. Thứ ba là căn cứ vào khả năng đáp ứng của y tế, hiệu quả của vaccine, thuốc điều trị. Tiến tới mà chúng ta có vaccine hiệu lực cao thì chúng ta chỉ cần tiêm vaccine. Tuy nhiên thực tế hiện nay khi tiêm vaccine COVID-19 xong vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh, vẫn là nguồn bệnh lây truyền cho người khác, chỉ giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Thứ tư là việc này còn phụ thuộc vào từng nước, không phải nước nào cũng giống nhau. Những nước có hệ thống y tế tốt hay dân số ít nên việc kiểm soát dịch tốt thì có thể đáp ứng được còn những nước đông dân, kiểm soát dịch không đáp ứng được thì phải xem xét".
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống COVID-19 năm 2022-2023 trong đó có nội dung nghiên cứu, đánh giá, căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Theo các chuyên gia, Nghị quyết đưa ra nghiên cứu là rất hợp lý, khách quan. Hiện nay cần phải có đánh giá cả về chuyên môn, đánh giá cả về sự ảnh hưởng của nó đến an sinh xã hội và kinh tế để cho phù hợp. Không vì quá nóng vội mà chuyển từ A sang B, nhưng cũng không vì quá chặt chẽ mà không chuyển từ A sang B khi đã hội đủ các điều kiện.