Thái Sơn 08/12/2023 16:01

Khai thông điểm nghẽn, giải phóng tối đa nguồn lực từ khoa học công nghệ

(Chinhphu.vn) - Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là bước đột phá chiến lược thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới. Chính vì vậy, việc nhìn nhận các kết quả, đặc biệt là tìm ra những nút thắt để đưa ra những giải pháp tháo gỡ cho khoa học công nghệ có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Tại Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu. Đại Hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo quan điểm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực quan trọng này. Ông Trần Minh, Phó Vụ trưởng Vụ khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương chia sẻ.

"Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là bước đột phá chiến lược thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới. Chính vì vậy, việc nhìn nhận các kết quả đặc biệt là tìm ra những nút thắt để đưa ra những giải pháp tháo gỡ cho khoa học công nghệ có ý nghĩa hết sức quan trọng".

Hiện nay, Việt Nam đã có Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 nhằm tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc phát huy vai trò then chốt của khoa học công nghệ hiện vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ; thị trường cho lĩnh vực này phát triển còn chậm, kết nối cung-cầu chưa hiệu quả; phát triển các loại hình khu công nghệ cao chưa như kỳ vọng; thiếu các nhà khoa học đầu ngành hay Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ vẫn hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước….Để khơi thông những điểm nghẽn này, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đề xuất 3 nhóm giải pháp lớn.

Khai thông điểm nghẽn, giải phóng tối đa nguồn lực từ khoa học công nghệ- Ảnh 1.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

"Thứ nhất là hệ thống động lực, cơ chế chính sách. Động lực chuyển thành hành vi của doanh nghiệp, của con người, của bộ máy. Thứ hai là thay đổi nhận thức về Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Trước đây, chúng ta nhìn hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là có ba chiều cạnh đó là Nhà nước, viện trường và doanh nghiệp. Chúng ta phải đổi mới các chiều cạnh đó và doanh nghiệp phải giữ vai trò trung tâm. Hiện nay, bắt đầu có những chính sách để biến những trường đại học trở thành các trường đại học khởi nghiệp. Tức là đào tạo con người có kỹ năng, trình độ với tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp để đem lại những giá trị thiết thực nhất phục vụ cuộc sống, phục vụ con người và phục vụ cho phát triển. Thứ ba, tôi nghĩ rất quan trọng, như Thủ tướng cũng từng nói, phải thu hút được, đào tạo được, giữ chân được, khuyến khích được nhân tài. Chúng ta phải tạo ra được lớp người thực sự say mê, say đắm, đau đáu với khoa học công nghệ". 

Từ ngày
- đến ngày