Thái Sơn 02/11/2022 11:07

Huy động nguồn lực tài chính trong phát triển hạ tầng giao thông

(Chinhphu.vn) - Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt nam sẽ cần khoảng 450-500 nghìn tỷ đồng đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông.

Trong 20 năm qua, nước ta mới chỉ triển khai được trên 1.000 km cao tốc, mà trong nhiệm kỳ này Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phải hoàn thành gần 2.000 km cao tốc. Chính vì vậy, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, chúng ta cần đột phá tư duy để có thể hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là trong huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, thông qua các hình thức hợp tác công tư. 

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở nước ta thời gian qua không ít, chiếm khoảng 8,2% GDP và hàng năm chúng ta dành khoảng một nửa số 8,2% GDP đó để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nhu cầu vốn sắp tới vẫn cần rất nhiều. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, riêng về lĩnh vực giao thông, mỗi một năm Việt nam sẽ cần khoảng 450-500 nghìn tỷ đồng. Chính vì vậy, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, để có một cấu trúc vốn bền vững cho phát triển hạ tầng giao thông thì sẽ phải huy động từ 4 nguồn cơ bản.

Huy động nguồn lực tài chính trong phát triển hạ tầng giao thông  - Ảnh 1.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

"Một, doanh nghiệp phải bỏ ra một phần vốn tự có, "không thể tay không bắt giặc", ít ra phải 10-15%. Thứ hai, vốn vay ngân hàng ở Việt Nam, kể cả chúng ta vẫn còn dựa nhiều vào vốn ngân hàng, chúng tôi vẫn kiến nghị ở mức 40-45% là tối đa. Nguồn vốn thứ ba là phát hành trái phiếu. Cái cuối cùng là nguồn vốn từ quốc tế, thông thường khoảng 10-15%, tốt nhất ở mức 20%. Cấu trúc vốn trong một dự án về hạ tầng giao thông nên theo hướng như vậy."

Từ ngày
- đến ngày