Đào Tuấn 26/08/2023 10:00

Hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc

(Chinhphu.vn) - Tại Dự án Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất: Trường hợp mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc theo phương thức PPP, không tính giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc hiện hữu vào tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP và được thu phí trực tiếp từ người sử dụng dịch vụ để được hoàn vốn đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, hiện nay nhu cầu mở rộng, nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa đường cao tốc là một thực tiễn đối với đường cao tốc được đầu tư phân kỳ đang trong quá trình khai thác, đặc biệt là đối với các tuyến cao tốc kết nối giữa các trung tâm kinh tế, chính trị lớn như là Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh … Tuy nhiên, các dự án này thuộc trường hợp điều chỉnh dự án được quy định tại điểm B, khoản 1 điều 24 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Vì vậy, Dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung quy định như trên để tháo gỡ những vấn đề trong thực tiễn hiện nay. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư khi nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa đều có đường quốc lộ song hành cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn, sử dụng đường cao tốc hoặc là đường quốc lộ. Do vậy, việc áp dụng thu phí trực tiếp từ người sử dụng để hoàn vốn đầu tư là phù hợp và cần thiết. Trường hợp không thu phí người sử dụng dịch vụ, Nhà nước cần bố trí vốn để mở rộng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì đường cao tốc. Tuy nhiên, việc bố trí vốn nhà nước trong điều kiện hiện nay sẽ không đáp ứng nhu cầu phát triển đường cao tốc phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, do vậy, cần bổ sung quy định này.

Hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2023.

 

Từ ngày
- đến ngày