Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, với chỉ số tăng trưởng rất ấn tượng, nông nghiệp, nông thôn càng khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Để ngành nông nghiệp tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững, Chính phủ và các bộ ngành hiện đang dành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có các chính sách về đẩy mạnh tín dụng nhằm kích hoạt, khơi thông dòng vốn chảy vào khu vực này.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 7/2022, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 2,83 triệu tỷ đồng, chiếm 1,4% dư nợ đối với toàn bộ nền kinh tế.
"Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ với các lĩnh vực ưu tiên nông thôn, giới hạn lãi suất cho vay thấp hơn thông thường. Thứ ba, ngành ngân hàng triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù như cho vay giảm tổn thất nông nghiệp, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Đặc biệt trong 2 năm (2022-2023), Ngân hàng Nhà nước đang triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh".
Giống như tín dụng, vấn đề về tư liệu sản xuất trong nông nghiệp cũng được các cơ quan quản lý hết sức quan tâm. Ông Mai Văn Phấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện trong khoảng 16,8 triệu hộ gia đình cá nhân sử dụng đất thì có trên 10 triệu hộ là nông dân. Trong 33 triệu ha đất thì có 27 triệu ha là đất nông lâm nghiệp, chiếm 84% quỹ đất tự nhiên. Qua hai con số trên cho thấy tỷ lệ đất lớn là dành cho nông, lâm nghiệp.
"Thời gian qua, trong quá trình biên soạn, sửa đổi Luật đất đai thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng luôn chú trọng làm thế nào để giữ lại nhiều nhất đất cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Thứ hai, về vấn đề tập trung đất đai cho tư liệu sản xuất, thì hiện nay trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra mức nhận chuyển nhượng là không quá 15 lần so với trước đây là 10 lần. Đồng thời, bổ sung cơ chế về góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân liên kết để gia tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Thứ ba là, mở rộng các đối tượng nhận chuyển nhượng, mở rộng đối tượng, kể cả tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp để tập trung đưa công nghệ vào sản xuất. Nội dung thứ tư là, quy định bổ sung thêm người nông dân được linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không bị bó hẹp như trước đây bắt buộc như là đất trồng lúa là chỉ trồng lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch"