Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Trong lịch sử 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975), Việt Nam can trường đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, hạ gục uy danh “siêu pháo đài bay B.52”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris và rút quân về nước.
50 năm đã trôi qua, chiến tranh lùi xa nhưng trận chiến lịch sử 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 vẫn còn in đậm dấu ấn trong lòng mỗi người, đặc biệt là người dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc (Việt Nam). Nhiều câu hỏi được đặt ra, đó là nguyên nhân và sức mạnh nào mà một đất nước với tiềm lực kinh tế cũng như quân sự non yếu lúc bấy giờ, chỉ với pháo phòng không và tên lửa SAM-2 lại có thể bắn rơi hàng loạt máy bay B.52 - niềm tự hào của nền công nghiệp Mỹ.
Chia sẻ với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về vấn đề trên, GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội cho biết, thắng lợi của chiến dịch hàng không tháng 12/1972 do nhiều yếu tố hợp thành, nhưng quan trọng nhất đó là sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghệ thuật tác chiến hàng không nhân dân độc đáo, sáng tạo.
GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội.
"Ở đây đã có sự chuẩn bị về trí tuệ, cùng với đó là sự chuẩn bị chu đáo về phương lực, vũ khí, khí tài và về thế trận phòng không tầm xa, tầm gần, tầm cao, tầm thấp, vòng trong, vòng ngoài... để khi Mỹ mang B.52 ra đánh bom tại Hà Nội thì lúc đó chúng ta tránh được những tổn thât lớn nhất. Lúc bấy giờ, chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ rất to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước thuộc phe XHCN cũng như sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ, trong đó có cả nhân dân Mỹ tiến bộ. Với sức mạnh tổng hợp, chúng ta đã vào trận đánh quyết chiến chiến lược đó ở tâm thế rất đặc biệt. Trước hết, tâm thế của chúng ta rất xa rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhìn phía trước rằng cuộc đối đầu này với cách tư duy thượng đẳng của người Mỹ, thì chỉ chấp nhận thua khi bị đánh bại cả về mặt chính trị cũng như về cách đánh, về những thắng lợi cụ thể trên chiến trường, nếu không người Mỹ sẽ không chấp nhận thua".
Thắng lợi "Điện Biên Phủ trên không" mở ra dấu mốc vàng son lịch sử, đó không chỉ thể hiện bằng bước chuyển chiến lược sau khi chiến dịch kết thúc mà còn thể hiện được tài năng quân sự của Việt Nam khiến quân xâm lược phải tâm phục, khẩu phục. Bên cạnh đó, GS. TS Phạm Hồng Tung cho rằng, chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" đã để lại cho dân tộc 3 bài học lớn.
"Bài học đầu tiên là "trúng chí thành thành", tức là trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì ý chí đoàn kết, tinh thần yêu nước và trách nhiệm của công dân với quốc gia dân tộc là quan trọng nhất. Có được ý thức đó chúng ta sẽ có niềm tin, có niềm tin chúng ta sẽ tìm được lối ra với trí tuệ của con người Việt Nam.
Thứ hai, tinh thần chưa đủ, chúng ta phải có lực lượng, lực lượng này phải phát huy sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Chúng ta đã biết kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa sức mạnh của toàn dân tộc với sức mạnh của thời đại nên chúng ta đã nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, để có được những vũ khí đủ sức vít cổ pháo đài B.52.
Thứ ba, đó là sức chịu đựng của dân tộc lúc bấy giờ, tất cả những người nước ngoài sau chiến tranh, khi có dịp đến Việt Nam, họ nói chuyện về những người Việt Nam đã trải qua mùa đông khốc liệt năm 1972, họ không tưởng tượng được người Việt Nam đã chịu đựng B.52 thả bom như thế nào. Và trong điều kiện như vậy, nhân dân Việt Nam đã chung sức đồng lòng vượt qua tất cả".
Có thể thấy, trận chiến "Điện Biên Phủ trên không" thêm một lần nữa chứng minh chân lý giản dị: "Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói.