Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Sau 2 năm đóng cửa vì tác động của đại dịch COVID-19, tháng 3/2022 Việt Nam đã chính thức mở cửa lại biên giới, cũng từ đó chiến lược phòng chống dịch của nước ta đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt kể từ tháng 5/2022, người nhập cảnh vào Việt Nam đã không cần phải xét nghiệm COVID-19 và làm thủ tục cách ly. Dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, làm tiền đề phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là kết quả nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn thể xã hội.
Để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ gia tăng, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mục tiêu quan trọng nhất sau khi mở cửa lại biên giới đó là tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt công thức phòng, chống dịch mới 2K+ của Bộ Y tế gồm 2K+ vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác; trong đó 2K là khẩu trang và khử khuẩn.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế.
"Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát, chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chúng ta cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, tạm dừng khai báo y tế tại cửa khẩu với đối tượng nhập cảnh, khách nội địa... Các hoạt động tập trung đông người hiện nay cũng đã diễn ra trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên theo Tổ chức Y tế thế giới, dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và có thể xuất hiện những biến thể mới. Vì vậy, chúng ta vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe người dân".
Có thể thấy sau 2 năm chống dịch và 1 năm mở cửa, mọi hoạt động kinh tế-xã hội của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên việc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Khi ý thức phòng, chống dịch của người dân được nâng cao cộng với năng lực của hệ thống y tế dự phòng được tăng lên thì những kết quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ được tiếp tục duy trì bền vững.