Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với vai trò nòng cốt của nền kinh tế, đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế tiên phong, mở đường trong cuộc đua công nghệ. Tuy nhiên, để giải phóng tiềm năng của các DNNN, cần có sự thay đổi mang tính đột phá trong cơ chế, chính sách, tạo không gian cho sự sáng tạo và chấp nhận rủi ro có kiểm soát.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, EVN đã triển khai quyết liệt Chương trình hành động của Chính phủ. Các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng số hóa đã được gắn chặt với sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực.
Giải phóng tiềm năng để DNNN tiên phong trong cuộc đua công nghệ
Cùng chia sẻ góc nhìn về vai trò của cơ chế trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, trong khi các doanh nghiệp tư nhân thường có sự linh hoạt để thử nghiệm và điều chỉnh, DNNN lại bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc, khiến họ khó lòng tiên phong trong các lĩnh vực đòi hỏi sự đột phá. Vì vậy việc chấp nhận rủi ro có kiểm soát không chỉ mở ra cơ hội cho các dự án công nghệ mang tính vượt trội mà còn góp phần khẳng định vai trò của DNNN trong phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Thanh Tùng: "Chúng tôi cho rằng cần có cơ chế thử nghiệm và chính sách hỗ trợ triển khai mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là những sáng kiến ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó cần xây dựng cơ chế riêng, linh hoạt để cho phép các doanh nghiệp nhà nước chấp nhận rủi ro có kiểm soát khi đầu tư vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hoặc đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng và quốc phòng."
Doanh nghiệp nhà nước, với nguồn lực và vai trò đặc thù, hoàn toàn có thể trở thành đầu tàu trong cuộc đua công nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần một cuộc 'cởi trói' thực sự về cơ chế và chính sách. Những nỗ lực của EVN trong chuyển đổi số và tầm nhìn chiến lược của Vietcombank là minh chứng rõ nét cho khát vọng vươn lên dẫn đầu. Song, khát vọng ấy chỉ có thể thành hiện thực khi Nhà nước và doanh nghiệp cùng chung tay tháo gỡ các rào cản, tạo ra một không gian pháp lý linh hoạt, khuyến khích sáng tạo và chấp nhận mạo hiểm. Chỉ khi đó, DNNN mới thực sự phát huy được vai trò tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và các ngành mới nổi.