Trần Long 08/12/2022 08:33

Giải pháp hỗ trợ người lao động gặp khó khăn về việc làm

(Chinhphu.vn) - Doanh nghiệp cần chủ động có giải pháp tiếp tục tìm kiếm đơn hàng mới, tránh phải cho lao động nghỉ việc trong thời điểm này. Trường hợp doanh nghiệp buộc phải cho người lao động nghỉ việc, cần bảo đảm đầy đủ những chính sách hỗ trợ như trợ cấp mất việc, bảo hiểm thất nghiệp, lương, thưởng Tết.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 1.235 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố gặp khó khăn trong sản xuất đã làm ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động. Việc sa thải, cắt giảm giờ làm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí.

Chị Mã Thị Thu Hường, 28 tuổi, quê ở Nam Định đang làm việc tại một công ty về điện tử điện lạnh cho biết, hai vợ chồng chị đều làm công nhân, hai đầu thu nhập cộng lại cũng chỉ đủ tiền phòng trọ, sinh hoạt hàng ngày và tiền gửi về quê cho ông bà nội đang nuôi giúp ba con nhỏ. Tuy nhiên, hai tháng nay công ty đang cắt giảm giờ làm nên khiến gia đình chị gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp hỗ trợ người lao động gặp khó khăn về việc làm - Ảnh 1.

Nắm bắt nhanh, kịp thời thông tin về các doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc để có phương án hỗ trợ kịp thời.

"Dạo gần đây từ tháng vừa qua đến tháng này công ty bắt đầu ít việc nên thường hay cắt giảm, hay nghỉ thì được hưởng 70% lương. Một số người vẫn đi làm, số còn lại đã nghỉ. Cuối năm rồi nên cũng cố thôi ạ. Hồi trước có nhiều việc làm thêm nhiều thì lương sẽ cao hơn bây giờ, bây giờ nghỉ nhiều thì lương sẽ thấp hơn. Gần tết rồi, con cái cũng phải bỉm sữa nên cũng khó hơn".

Bên cạnh việc lựa chọn tiếp tục gắn với công việc hiện tại, chấp nhận việc giảm giờ làm, nhiều người đã chọn cách về quê. Bà Phạm Thị Điệp, chủ nhà trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội cho biết.

"Nghỉ đến bây giờ là từ tháng 10 đến tháng 12. Hôm trước tôi hỏi cháu về quê có làm công việc gì không, bạn ấy bảo cháu chưa tìm được việc gì. Tôi có bảo sao không ở lại tìm việc làm thì đỡ hơn, về quê thì sao có việc được. Bạn ấy bảo là tuổi của chúng cháu bây giờ đi xin việc không phải dễ nên tạm thời chỉ chờ công ty gọi thôi. Trước đó, cũng có một chị cùng công ty ở phòng này, chị ấy biết không có đơn hàng nên đã trả phòng sớm và về quê".   

Tại Hà Nội, nhu cầu thị trường lao động việc làm có những thuận lợi hơn so với TP. HCM. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tình hình tăng, giảm lao động của các doanh nghiệp, khu vực Hà Nội hiện cũng đã có 1-2 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cắt giảm tới hàng trăm lao động. Nguyên nhân là một số doanh nghiệp có đơn hàng đi các thị trường như châu Âu và Mỹ, nay các thị trường này đang cắt giảm chi tiêu vì ảnh hưởng lạm phát kinh tế dẫn đến những doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng hoặc thiếu nguồn nguyên liệu. Doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đồng nghĩa với cắt giảm lao động.

Để hỗ trợ lao động mất việc trong bối cảnh cuối năm và Tết đang đến gần, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương để nắm bắt nhanh, kịp thời thông tin về các doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải cho người lao động nghỉ việc để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Giải pháp hỗ trợ người lao động gặp khó khăn về việc làm - Ảnh 2.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

"Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện vai trò giữa doanh nghiệp và NLĐ tiếp nhận các đơn hàng tuyển dụng từ các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng các nguồn lao động, nguồn nhân lực để đáp ứng cho hoạt động đơn vị. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho NLĐ tìm kiếm việc làm. Những tháng gần đây, chúng tôi tiếp nhận rất đa dạng tất cả các đối tượng đến trung tâm thuộc tất cả các phân khúc, trình độ khác nhau, từ lao động phổ thông đến lao động có trình độ, lao động chất lượng cao có nhu cầu, nguyện vọng tìm kiếm việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhận hỗ trợ để kết nối đến các doanh nghiệp".

Về phía doanh nghiệp, ông Thành cho rằng, cần chủ động có giải pháp tiếp tục tìm kiếm đơn hàng mới, tránh phải cho lao động nghỉ việc trong thời điểm này. Trường hợp doanh nghiệp buộc phải cho người lao động nghỉ việc, cần bảo đảm đầy đủ những chính sách hỗ trợ như trợ cấp mất việc, bảo hiểm thất nghiệp, lương, thưởng Tết. Về phía người lao động, trong thời gian bị mất việc cũng là một trong những điều kiện để trang bị thêm kỹ năng, nâng cao tay nghề, trình độ nếu có điều kiện, sau đó tiếp tục quay trở lại thị trường lao động khi doanh nghiệp khôi phục đơn hàng. 

Từ ngày
- đến ngày