Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính không đơn thuần là việc điều chỉnh địa giới hay tinh gọn đầu mối, mà là một cuộc thay đổi sâu rộng về phân công, phân cấp và phân bổ nguồn lực.
Từ thực tiễn công tác đào tạo cho đội ngũ công chức cơ sở thời gian qua, PGS TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing (Bộ Tài chính), cho rằng giai đoạn đầu khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cấp xã, nơi sẽ được phân cấp nhiều hơn trong tiếp nhận, xử lý các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
PGS TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing (Bộ Tài chính)
PGS TS Phạm Tiến Đạt: "Ví dụ như trước đây, khi một dự án do Sở thực hiện, chúng tôi không cần thực hiện thủ tục này. Nhưng gần một năm trở lại đây, khi việc phân cấp được chuyển xuống cho cấp huyện, cấp quận, thì lại phát sinh thêm một thủ tục mới. Thủ tục này dẫn đến việc các dự án và công trình bị chậm trễ."
Trước những thách thức ấy, đào tạo đội ngũ công chức trở thành giải pháp thiết yếu để đảm bảo bộ máy hành chính vận hành hiệu quả sau sắp xếp. Theo PGS TS Phạm Tiến Đạt, trước hết, đào tạo cần giúp công chức hiểu rõ những khó khăn thực tế trong quá trình chuyển đổi. Họ cần được trang bị kiến thức để xử lý các thủ tục mới phát sinh sau phân cấp, từ đó tránh những chậm trễ không đáng có. Các buổi tập huấn nên mang tính thực tiễn, mô phỏng tình huống cụ thể để công chức áp dụng ngay vào công việc. Tiếp theo, đào tạo cần tập trung vào việc cập nhật và giúp công chức nắm vững các văn bản pháp chế liên quan.
PGS TS Phạm Tiến Đạt: "Thực thi công vụ là một yếu tố vô cùng quan trọng. Hiện tại, chúng tôi nhận thấy rằng quá trình sắp xếp tổ chức từ cấp tỉnh xuống cấp xã, phường, v.v. đang được tiến hành. Vậy làm thế nào để cải thiện và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ở cấp xã? Đây là điều rất quan trọng. Từ góc độ đó, tôi đề xuất tổ chức đào tạo cho đội ngũ công chức thực thi công vụ. Qua đó, họ sẽ hiểu được những khó khăn thực tế. Đồng thời, thông qua các buổi tập huấn, họ có thể trao đổi về những vấn đề liên quan đến văn bản pháp chế hiện đang gặp khó khăn. Ngoài ra, từ góc độ này, chính đội ngũ công chức thực thi công vụ sẽ là những người đề xuất các giải pháp cho những đơn vị ban hành thể chế, chính sách hiện hành."
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính là một bước đi mang tính cải cách sâu rộng, nhưng để chuyển hóa chủ trương thành hiệu quả thực tiễn, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền các cấp, hệ thống đào tạo và bản thân đội ngũ công chức. Khi năng lực thực thi công vụ được nâng cao, đặc biệt ở cấp xã, nơi gần dân nhất và là nơi trực tiếp duy trì nhịp công việc hằng ngày, thì những thay đổi về mô hình tổ chức mới có thể nhanh chóng lan tỏa thành thay đổi trong chất lượng phục vụ người dân. Sự thành công của chủ trương này không chỉ đo bằng số đầu mối được tinh gọn, mà còn ở khả năng duy trì hoạt động hành chính thông suốt, cùng mức độ hài lòng của người dân với bộ máy mới: gọn nhẹ nhưng hiệu quả, đổi mới nhưng gần gũi.