Phương Hoa 09/01/2024 16:16

Dự án điện gió ngoài khơi cần áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù

(Chinhphu.vn) - Là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được chính phủ Singapore chấp thuận triển khai nguyên tắc dự án trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu 1,2 GW điện sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển, Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)-đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tập trung các nguồn lực để triển khai các bước đầu tiên trong hợp tác đầu tư.

Hiện dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam trao Quyết định quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển. Theo ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC, việc phát triển dự án bước đầu có nhiều thuận lợi do Tổng công ty có lợi thế lớn trong triển khai các dự án ngoài khơi.
Dự án điện gió ngoài khơi cần áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù- Ảnh 1.

Cần áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án điện gió ngoài khơi

Mặc dù phía Singapore đã phê duyệt có điều kiện nhập khẩu điện gió nhưng phía Singapore vẫn có thể tìm nhà phát triển khác nếu trong vòng 1 năm tới phía Việt Nam không thể chốt được cơ chế cho việc triển khai dự án, mấu chốt hiện nay là các cơ chế cụ thể vẫn chưa được cơ quan quản lý của Việt Nam xây dựng.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, hiện các cơ chế, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi vẫn chưa rõ ràng, nhiều dự án điện gió ngoài khơi gặp không ít vướng mắc ngay từ khâu đầu tiên là khảo sát.

Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ, tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150,489 GW, trong đó, tổng công suất các nguồn điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW và có thể tăng lên trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý

Thực tế hiện nay, Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện Quy hoạch điện lực; Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; Điều kiện tiếp cận thị trưởng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, việc cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát là những vướng mắc khi triển khai các dự án điện gió ngoài khơi

Cũng theo ông Thập cần phải có Nghị quyết của Quốc hội cho phép Chính phủ, các bộ, ngành và các doanh nghiệp được triển khai các dự án song song với quá trình hoàn thiện các khung khổ pháp lý bởi nếu chờ sửa luật sẽ rất lâu. Bên cạnh đó, dự án điện gió ngoài khơi cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia và phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.

Từ ngày
- đến ngày