Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Tín dụng sẽ là vấn trọng tâm trong năm 2024. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đặt mục tiêu định hướng về tăng trưởng tín dụng là 15%.
Năm 2023, một trong những khó khăn của doanh nghiệp thường được đề cập đến là vấn đề tiếp cận nguồn lực về vốn, tài chính. Sang năm 2024, nhiều chuyên gia nhận định áp lực về chính sách tiền tệ sẽ giảm đi, đỡ hơn cho ngành ngân hàng. Vậy định hướng về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ như thế nào để có thể mở rộng khả năng hỗ trợ về tín dụng cho các doanh nghiệp trong quá trình không chỉ phục hồi mà còn đón bắt được các cơ hội phát triển mới?.
Theo bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tín dụng sẽ là vấn trọng tâm trong năm 2024. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu định hướng về tăng trưởng tín dụng là 15%. Mục tiêu này cũng sẽ được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến của thị trường.
"Để thực hiện mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, các lĩnh vực tạo động lực cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa các thủ tục vay vốn; thực hiện các chương trình tín dụng theo chủ chương của Chính phủ. Ví dụ như những gói từ cuối năm 2023 đã triển khai như gói 120 nghìn tỷ hỗ trợ nhà ở và các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thủy hải sản…và nhiều các gói tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã chủ động thực hiện. Bên cạnh đó, cũng có những giải pháp để các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, qua đó góp phần giảm bớt tình trạng tín dụng đen; có những kế hoạch để triển khai và sửa đổi các cơ chế chính sách liên quan đến chính sách tín dụng để từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp trong năm 2024".
Về việc điều hành lãi suất thời gian tới, bà Hằng cho biết:"Ngân hàng nhà nước cũng sẽ tiếp tục điều hành theo hướng thị trường, đồng thời cũng khuyến khích, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường tiết giảm các chi phí, hoạt động cũng như ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào trong quy trình cấp tín dụng làm sao rút ngắn được quy trình cho vay cũng như là giảm các chi phí hoạt động để từ đó tiếp tục giảm lãi suất cho vay thời gian tới".
Với việc chính sách tiền tệ hiện đang tập trung vào giảm lãi suất cho vay và gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời tăng cường giám sát và quản trị rủi ro hệ thống. Đây sẽ là những "liều thuốc" trợ lực cần thiết giúp người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo ra sự bứt phá cho nền kinh tế.