Download on the
App Store
(Chinhphu.vn) - Tại Việt Nam, năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia được định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới - tăng 1 bậc so với năm 2023. Kết quả này cho thấy hiệu quả của các chính sách phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng của Việt Nam.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, đổi mới sáng tạo đang là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường kinh doanh toàn cầu cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh VGP
"Chương trình Thương hiệu quốc gia của Chính phủ mà Bộ Công Thương là cơ quan thường trực đã tạo ra một vai trò rất lớn. Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành trong nền kinh tế về ý nghĩa, vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; trong việc đóng góp vào sự nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như là sản phẩm của doanh nghiệp. Thứ hai, chương trình đã góp phần thực hiện những hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp mong muốn xây dựng, quản trị thương hiệu của mình".
Theo ông Vũ Bá Phú, 3 trụ cột quan trọng để tạo bứt phá cho Thương hiệu Quốc gia bao gồm: Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong. Đây cũng là kim chỉ nam mà thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh với các đơn vị liên quan.
Tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh". Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về yếu tố đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp không ngừng tập trung khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh.